Các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vẫn “án binh bất động” sau gần 2 năm triển khai thực hiện đề án di dời các cơ sở chế biến lâm sản vào các khu, cụm công nghiệp hoặc các điểm quy hoạch, khiến cho diện tích rừng ngày càng suy giảm, thu hẹp.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có 509 cơ sở chế biến gỗ và sản xuất mộc, trong đó có 83 cơ sở chế biến gỗ thuộc các doanh nghiệp, 423 cơ sở sản xuất đồ mộc cá thể quy mô hộ gia đình. Nghiêm trọng hơn, nhiều cơ sở chế biến gỗ vẫn còn nằm ven rừng, gần rừng, nằm xen lẫn các khu dân cư, không những ảnh hưởng đến công tác quản lý bảo vệ rừng (tiêu thụ gỗ không rõ nguồn gốc, tiếp tay cho các đối tượng phá rừng trái phép) mà còn gây ô nhiễm môi trường.
Theo đề án, đến cuối năm 2011, tỉnh Đắk Lắk sắp xếp, di dời phần lớn các cơ sở chế biến lâm sản vào các khu, cụm công nghiệp, điểm quy hoạch. Tỉnh có chính sách hỗ trợ tháo dỡ, bốc xếp, di dời, xây dựng cơ sở mới, hỗ trợ tiền thuê đất, đào tạo nghề cho người lao động... cho các cơ sở chế biến lâm sản di dời vào các khu, cụm công nghiệp, điểm quy hoạch, với tổng nguồn vốn trên 53,11 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có vài doanh nghiệp chế biến gỗ di dời vào các cụm công nghiệp, còn lại phần lớn vẫn chây ì.
Quang Huy