Qua thanh tra, phát hiện hàng loạt sai phạm nghiêm trọng nên Thanh tra tỉnh đã kiến nghị chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bạc Liêu điều tra làm rõ.
Theo Kết luận thanh tra, năm 2017, UBND tỉnh Bạc Liêu phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Xây dựng 3 trạm quan trắc nước mặt tự động trên địa bàn tỉnh do Sở Tài nguyên và Môi trường làm chủ đầu tư. Địa điểm xây dựng tại khuôn viên Trạm Biên phòng Nhà Mát (phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu); Trạm Biên phòng Cái Cùng (xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải) và Trạm cạnh chân cầu Rạch Cóc (thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải). Tổng mức đầu tư của dự án trên 50,7 tỉ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế. Thời gian thực hiện từ năm 2017 - 2018, trong đó, kinh phí xây dựng hơn 2,2 tỉ đồng; chi phí thiết bị hơn 39 tỉ đồng; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng hơn 1 tỉ đồng; chi phí dự phòng hơn 6,6 tỉ đồng...
Kết luận thanh tra cho thấy, Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ định thầu Công ty Giải pháp sinh thái lập báo cáo nghiên cứu khả thi chưa sát với thực địa, chưa đảm bảo mục tiêu đầu tư dự án, việc lựa chọn công nghệ và trang thiết bị chưa tính toán được các yếu tố tự nhiên của nguồn nước biển tại khu vực quan trắc đã ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình quản lý vận hành, đưa công trình vào khai thác sử dụng, chưa đạt hiệu quả như mục tiêu đầu tư xây dựng của dự án đã đề ra.
Dự án áp dụng công nghệ cao trong quan trắc môi trường tự động, cung cấp kịp thời chuỗi số liệu về môi trường liên tục phục vụ công tác quản lý, bảo vệ môi trường và hoạch định chính sách nhưng thực tế hệ thống vận hành không đạt hiệu quả. Trong thời gian vận hành chạy thử thì hệ thống hư hỏng đến nay đã hơn 3 năm. Sở Tài nguyên và Môi trường với vai trò trách nhiệm là Chủ đầu tư, chỉ định thầu không đảm bảo năng lực; không thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư, báo cáo về các nội dung thay đổi.
Đơn vị cung cấp, lắp đặt một số thiết bị không đúng với hồ sơ đề xuất tài chính, hợp đồng; không rõ nhãn mác, xuất xứ; khác số serial máy; khác model, hãng sản xuất với tổng số tiền hơn 2,2 tỉ đồng. Bên cạnh đó còn có 3 thiết bị đã hư hỏng với số tiền hơn 2,96 tỉ đồng, 19 thiết bị chưa sử dụng với số tiền hơn 8,14 tỉ đồng, có dấu hiệu gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, qua kiểm tra, đối chiếu Tờ khai hàng hóa nhập khẩu so với hợp đồng giữa Sở Tài nguyên và Môi trường với Công ty AIC (công ty nhập thiết bị) đối với 25/70 thiết bị, chênh lệch số tiền hơn 5,7 tỉ đồng.
Kết luận thanh tra cho thấy, mặc dù Dự án đã nghiệm thu hoàn thành từ tháng 5/2020 cho đến nay (hơn 3 năm) không đưa vào vận hành được, thời gian để lâu đã hư hỏng nhiều thiết bị, các thiết bị đã hết thời gian bảo hành và giải pháp để sửa chữa nếu được cấp thẩm quyền cho phép sẽ mất nhiều thời gian, chi phí lớn. Từ đó dẫn đến tính khả thi của Dự án không đạt được so với mục tiêu ban đầu đã đề ra, không mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội.
Những nội dung sai phạm nêu trên có dấu hiệu làm trái các quy định Nhà nước trong công tác quản lý, thực hiện đầu tư đối với Dự án xây dựng 3 trạm quan trắc, trách nhiệm chính thuộc về Sở Tài nguyên và Môi trường (với vai trò làm Chủ đầu tư theo Quyết định số429/QĐ-UBND ngày 14/8/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh) và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra những thiếu sót, hạn chế, vi phạm trong việc lựa chọn nhà thầu không đảm bảo điều kiện năng lực hoạt động thi công xây dựng; tổ chức giám sát và quản lý chất lượng; tổ chức nghiệm thu, thanh toán, quyết toán công trình; chịu trách nhiệm về chất lượng, nguồn gốc của vật tư, nguyên liệu, vật liệu, thiết bị, sản phẩm xây dựng…
Kết luận thanh tra kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh có hình thức kiểm điểm Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và các cá nhân có liên quan (tại thời điểm phụ trách). Đồng thời, chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình triển khai Dự án có dấu hiệu gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước toàn bộ chi phí dự án trên 43 tỉ đồng.