Điểm mặt "thủ phạm" gây cháy xe máy


Trao đổi, lý giải các nguyên nhân gây cháy nổ ô tô, xe máy trên địa bàn Hà Nội thời gian qua và đề xuất các biện pháp phòng tránh là nội dung của hội thảo khoa học do Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hà Nội tổ chức ngày 10/2.

Các nhà khoa học, các chuyên gia về lĩnh vực cơ khí, động cơ, hoá học, đại diện nhiều sở, ngành liên quan và một số chủ của phương tiện bị cháy trong thời gian qua đã tham dự hội thảo.

Tại hội thảo, dù có nhiều ý kiến khác nhau khi đề cập đến nguyên nhân gây cháy, nổ ô tô, xe máy, song các đại biểu đều thống nhất nhận định đây thực sự là vấn đề “nóng” cần được nhìn nhận đầy đủ, chính xác và có những biện pháp phòng, tránh cụ thể.

* Nhiều nguyên nhân gây cháy

Tại Hội thảo, Thượng tá Nguyễn Văn Sơn, Trưởng phòng Hướng dẫn phòng cháy của Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội cho biết: Theo thống kê của Sở này từ 1/10/2010 đến 10/1/2012, trên địa bàn Hà Nội xảy ra trên 70 vụ cháy ô tô, xe máy. Trong đó, lực lượng chức năng đã xác định được nguyên nhân của 25 vụ do nhiều nguyên nhân khác nhau như: va chạm đường điện, tai nạn giao thông, hút thuốc hoặc thắp hương trên xe.... Tuy nhiên, hiện vẫn còn 47 vụ chưa xác định được nguyên nhân.


 

Hiện vẫn còn tới 47 vụ chưa xác định được nguyên nhân gây cháy nổ. Trong ảnh: Cháy xe SH tại nút giao thông Kim Mã-Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Doãn Tấn



Bản thân một số chủ xe máy bị cháy, có mặt tại Hội thảo cũng cho biết: xe họ bị cháy không rõ nguyên nhân gì vì có xe đang lưu thông bình thường thì cháy; có xe đang để trong sân, chìa khoá xe đã được rút khỏi xe cũng bị cháy.

Với nhận định từ những biểu hiện ban đầu khi xe bị cháy thường được phát hiện bắt đầu từ nơi có nguồn lửa bên ngoài động cơ, bùng phát khi tiếp xúc với các chi tiết dễ cháy như vật liệu cao su, nhựa.., Phó Giáo sư Lê Anh Tuấn, Trưởng Bộ môn Động cơ đốt trong của trường Đại học Bách khoa Hà Nội và cộng sự đưa ra 5 nguyên nhân gây cháy xe là: Hệ thống phụ tùng, đặc biệt là hệ thống dây điện, sạc ácquy, rơ le... có độ bền nhiệt không đáp ứng được yêu cầu hoặc phải hoạt động trong điều kiện quá khắc nghiệt. Nhiên liệu có chứa các chất phụ gia không được kiểm soát hoặc dung môi như: methanol, axêtôn với tỷ lệ lớn dẫn tới ăn mòn lão hoá nhanh các chi tiết, dẫn tới rò rỉ nhiên liệu. Chế độ và quy trình bảo trì không phù hợp, hệ thống phụ tùng thay thế không được kiểm soát chất luợng và việc lắp ráp thêm các hệ thống mới như còi, đèn. Đường ống xả của xe bị quá nóng hoặc do điều kiện vận hành phương tiện trong thời tiết nóng ẩm, bụi bẩn, tắc đường.

Ông Lê Bạch Chúc, Trung tâm An toàn hoá chất bảo vệ môi trường cho rằng, nhiều xe bị cháy trong thời gian qua liên quan đến tình trạng kỹ thuật không hoàn thiện của xe như: hệ thống cung cấp nhiên liệu cho xe không kín, hệ thống điện có khiếm khuyết... Ngoài ra, xe cháy còn do nguyên nhân do chủ nhân sử dụng xe chưa đúng như không đậy kín nắp bình xăng, xe bị đổ hoặc sử dụng xăng có trị số ốc tan thấp, sử dụng không đúng các dầu động cơ pha phụ gia óc tác dụng trám kim loại làm tăng nguy cơ cháy xe

* Cần phòng tránh cẩn thận

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra rất nhiều giải pháp cụ thể để giảm thiểu hoặc phòng tránh cháy phương tiện xe máy, ô tô.

Phó Giáo sư Lê Anh Tuấn, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội lưu ý: Chủ phương tiện cần có chế độ bảo trì, bảo dưỡng phương tiện dịnh kỳ; thường xuyên để ý đến phương tiện để sớm phát hiện các hiện tượng quá nhiệt hay rò rỉ nhiên liệu. Các cơ quan quản lý cần quản lý tốt chất lượng xăng dầu theo đúng tiêu chuẩn và quy chuẩn Việt Nam ; cần có chế tài xử lý đối với đơn vị phân phối xắng dầu không đúng tiêu chuẩn.

Cũng theo Phó Giáo sư Lê Anh Tuấn, việc cải thiện môi trường giao thông nhằm giảm bớt hiện tượng tắc đường là một giải pháp quan trọng giúp tăng tuổi thọ và độ an toàn của phương tiện.

Thượng tá Nguyễn Văn Sơn, Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội cũng khuyến cáo: Chủ các phương tiện không nên lắp đặt thêm các thiết bị, phụ kiện như thiết bị bảo vệ, còi, đèn hoặc nếu lắp thêm phải đảm bảo không quá tải về điện. Khi để xe trong nhà, sân cần tắt khoá điện, đóng khoá xăng hoặc để xa nơi có nguồn lửa, nguồn nhiệt.

Tiến sỹ Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội khẳng định: Nguyên nhân gây cháy ô tô, xe máy thời gian qua trên địa bàn Hà Nội và cả nước được các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý cắt nghĩa theo nhiều nhóm nguyên nhân khác nhau và vì vậy cần có cái nhìn tổng thể cả từ phía nhà sản xuất, đơn vị cung ứng nhiên liệu và người tiêu dùng để có sự vận hành, sử dụng hợp lý hơn.

Sau Hội thảo này, các nguyên nhân và giải pháp sẽ được Sở KH&CN Hà Nội nhanh chóng tổng kết và thông báo tới các cơ quan chức năng. Đồng thời, Sở cũng báo cáo và đề xuất với UBND thành phố, Bộ KH&CN để đưa ra các biện pháp quản lý cần thiết cũng như khuyến cáo người tiêu dùng, góp phần giảm thiểu lượng xe ô tô, xe máy bị cháy trong thời gian tới.


TTXVN/ Tin Tức
Ô tô bốc cháy khi đang chạy

Chiều ngày 25/1, tại Km1+100 đường tỉnh lộ 200 thuộc địa phận thị trấn Yên Mỹ (Hưng Yên), xe ô tô 4 chỗ BKS 30N-6274 đang chạy bỗng dưng ngùn ngụt bốc cháy và rất may không xảy ra thương vong về người, thiệt hại tài sản ước tính hơn 200 triệu đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN