Anh Hưng, một công nhân tại Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương) kể lại bài học chua chát của mình: Năm ngoái, một người bạn cùng quê bảo anh gom giúp 11 hành khách về Hà Tĩnh, Nghệ An.
Anh thật thà vận động bạn bè, người thân cùng xóm trọ, công ty đi xe do bạn anh hợp đồng.
Theo đúng lời hẹn, sáng 26/12 âm lịch, anh dẫn 11 người khách đang háo hức về quê ra quốc lộ chờ xe. Chờ đến 10 sáng, không thấy xe đến nên anh gọi điện cho cậu bạn nọ thì nhận được câu trả lời: “Xe sắp tới”. Đến 12 giờ trưa, anh gọi lại cho bạn thì cậu ta không bắt máy.
Gần 4 giờ chiều, cậu bạn “tốt bụng” gọi lại cho anh thông báo ngắn gọn: “Xe đủ khách nên về rồi, mày thông cảm kiếm xe khác cho họ”. Không còn cách nào khác, anh đành đưa số khách đã mệt lử vì đói lên xe tuyến TP.HCM - Hà Nội để về quê.
Sau lần đó, anh kiên quyết không nhìn mặt người bạn “cò xe” dù năm nay cậu ta vẫn cố tìm anh nhờ gom khách.
Chị Tâm, một sinh viên quê Thanh Hóa đang học Đại học Hồng Bàng (TP.HCM) dường như vẫn chưa hết ấm ức khi kể lại với chúng tôi về chuyến đi năm trước.
Ăn Tết xong, một người quen cùng xã đến tận nhà mời chị đi xe do anh ta hợp đồng từ TP.HCM với cam kết: “Xe máy lạnh, mỗi người một ghế, giá vé chỉ 600.000 đồng/người”.
Đúng ngày đi, chị lên xe và thầm biết ơn anh “cò” nọ vì đã giữ đúng lời hứa với mình. Không ngờ, khi xe vừa đến đất Nghệ An, chủ xe và “cò xe” đã dừng lại chia tiền để “cò” quay về gom khách cho chuyến mới. Từ thời điểm đó, dù khách có kêu la cỡ nào chủ xe vẫn cố ép họ ngồi ghép 3, ghép 4 để bắt thêm khách dọc đường.
Hành khách không nên tự biến mình thành nạn nhân của “cò xe”. |
Nếu có mặt ở các địa phương như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Định... vào những ngày cận và sau Tết Nguyên đán, sẽ không khó để bắt gặp những chiếc xe mang biển số các tỉnh phía Nam ngược xuôi trong từng thôn xóm.
Đó chính là những xe “thời vụ” được các “cò địa phương” hợp đồng với các chủ xe phía Nam đưa khách về quê ăn Tết, sau đó lưu lại để chờ lấy khách sau Tết. Không chỉ có xe từ TP.HCM, nhiều chủ xe các tỉnh xa hơn như Long An, Tây Ninh cũng sẵn sàng “vào cuộc” thậm chí nhiều xe buýt cũng được “trưng dụng”.
Anh H., một chủ xe tuyến TP.HCM - Bến Tre cho hay: “Mỗi năm có một lần Tết, mình chạy hoài tuyến cũ thì tiền lời chẳng ăn thua trong khi chỉ cần vài chuyến Bắc - Nam cũng kiếm được kha khá”.
Nghĩ vậy nên năm nào anh cũng hợp đồng với các “cò xe” Nghệ An hoặc Thanh Hóa để lấy khách. Theo anh H., nếu trừ hết mọi chi phí, mỗi chuyến như vậy có lãi không dưới 12 triệu đồng. Tết năm nay, chủ xe này còn định rủ thêm vài nhà xe khác cùng chạy tuyến Bắc - Nam để kiếm lời. Trong khi đó, nhiều “cò xe” kinh nghiệm cũng đang ráo riết tìm xe để hợp đồng gom khách.
Thông thường, “cò xe” là người gốc địa phương miền Trung hoặc miền Bắc đang làm việc tại các tỉnh phía Nam. Khi Tết đến, những “cò xe” này sẽ vận động những người thân, bạn bè cùng xã, tỉnh đi xe do mình hợp đồng về quê.
Sau Tết, “cò xe” lại gom khách có nhu cầu vào Nam đủ số lượng yêu cầu của chủ xe. Hùng, một “cò xe” thâm niên cho biết: “Thường thì chủ xe sẽ chia cho “cò xe” từ 30.000-50.000 đồng/khách, tùy theo số lượng khách gom được”.
Năm nay, dù nhu cầu đi lại của người dân các tỉnh miền Trung và phía Bắc tăng khoảng 5-7% so với năm ngoái, nhưng theo Ban quản lý Bến xe Miền Đông, đơn vị này đã chuẩn bị đầy đủ xe dự phòng, kể cả xe buýt tăng cường nên chắc chắn nỗi lo bị “chèn ép” của hành khách sẽ được giải tỏa đáng kể.
Anh Minh, một công nhân quê Quảng Bình thường đi xe khách về quê ăn Tết suốt 5 năm nay chia sẻ kinh nghiệm: “Sau khi ăn Tết xong, hành khách nên đến các bến xe địa phương mua vé trước hoặc đặt chỗ các hãng xe tin cậy dù giá vé có thể cao hơn xe hợp đồng để không rơi vào tình cảnh “khóc dở, mếu dở”.
Hào Vũ