Vùng quặng Barite xã Thượng Ấm, huyện Sơn Dương được đánh giá là có trữ lượng và giá trị nhất tỉnh Tuyên Quang. Tuy nhiên, các đơn vị được cấp phép khai thác đã liên tục "xé rào", khai thác không đúng như quy định trong giấy phép được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc này đã diễn ra trong thời gian khá dài đã tàn phá môi trường, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân nơi đây.
Doanh nghiệp "xé" rào!
Theo giấy phép số 07 do UBND tỉnh Tuyên Quang cấp ngày 11/4/2012 cho Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư Hòa An (Công ty Hòa An) thì điểm khai thác quặng của Công ty tại khu vực xã Thượng Ấm, huyện Sơn Dương có diện tích là 1,7 ha. Tuy nhiên, khi chúng tôi “đột kích” khu vực khai thác của Công ty Hòa An điều dễ dàng nhận thấy là khu vực mà Công ty đang thực hiện khai thác có diện tích lớn hơn nhiều so với giấy phép được cấp.
Khu vực khai thác của Công ty Hòa An |
Đó có lẽ chính là lý do khi chúng tôi tiếp cận khu vực trên thì máy móc đang khai thác đột nhiên được cho dừng hết lại, đội công nhân điều hành máy bỏ về lán, còn những người dân nhặt quặng thuê bỏ chạy vào ngồi nghỉ dưới gốc cây. Toàn bộ khu vực đều được các đơn vị thi công khai thác một cách nham nhở những hố to nhỏ, sâu cạn xuất hiện. Việc khai thác ở đây được các đối tượng chia thành 2 khu vực khai thác riêng biệt. Đó là khu vực lòng chảo hang Hờm, trước đây là cánh đồng; khu vực thứ hai cách đó chùng 700 m ở ngay trên sườn núi.
Mặc dù chỉ được khai thác thác sàng tuyển nhưng Công ty Hòa An đã dùng vòi rồng để tuyển rửa |
Để phục vụ cho việc khai thác quặng trái phép trên khu vực sườn núi này, bưởng quặng đã cho máy ủi, mở hẳn một con đường lên núi, đồng thời dựng một chiếc lán rộng khoảng 30m2 gần khu vực khai thác để ở và sinh hoạt. Điện lưới và đường nước cũng được kéo lên tận nơi để phục vụ khai thác lâu dài. Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, người đứng ra khai thác điểm quặng trái phép này có tên là Hùng và người này lại làm thuê cho Công ty Hòa An. Năm 2013, Công ty này cũng đã bị Phòng Tài nguyên Môi trược huyện Sơn Dương "tuýt còi" khi khai thác trái phép ngoài chỉ giới quy định.
Hố bùn này đang là ẩn họa treo trên đầu người dân |
Trở lại khu vực khai thác lòng chảo hang Hờm, trước đây là cánh đồng và đang tập trung tới 6 chiếc máy xúc đang hoạt động hết công suất, ngoài khai thác ra ngoài chỉ giới, Công ty này còn ngang nhiên tiến hành khai thác quặng theo hình thức tuyển rửa, trong khi giấy phép khai thác khoáng sản được UBND tỉnh Tuyên Quang cấp thì Công ty phải khai thác theo hình thức sàng tuyển. Quặng Barite sau khi được sàng tuyển sơ sài sẽ được công nhân dùng vòi rồng công suất lớn xịt nước làm sạch. Những dòng bùn đỏ quạch, đặc sánh chảy dài theo nguồn nước đỏ về hồ bùn ngay cạnh đó. Tại khu vực khai thác này, chúng tôi ghi nhận có hai vị trí đang thực hiện việc tuyển rửa. Sai phạm nghiêm trọng này đã kéo theo nhiều sai phạm khác như: Không thực hiện đúng với bản cam kết bảo vệ môi trường, biên bản đăng ký thiết bị sử dụng, thiết kế mỏ được phê duyệt...
Lán trại được dựng để ở trong quá trình khai thác quặng |
Không dừng lại ở đó, theo phản ánh của chị Đàm Thị Thắm, thôn Đồng Bèn 2, xã Thượng Ấm, đầu năm 2009 Công ty Hòa An thuê đất hơn 1 sào đất nông nghiệp của gia đình chị với giá 5 triệu đồng/sào với lời hứa là sau 2 năm sẽ hoàn trả đất nhưng thời hạn đã hết từ lâu, gia đình chị đòi lại ruộng Công ty không trả mà cũng chẳng chịu đền bù thêm với lý do làm ăn thua lỗ. Cũng theo chị Thắm, thôn Đồng Bèn 2 có khoảng 20 hộ gia đình có chung hoàn cảnh với gia đình chị.
Qua nhiều thông tin, chúng tôi còn được biết Công ty này còn chưa hoàn thiện hồ sơ thu hồi và cho thuê đất theo quy định của Luật Đất đai. Việc bổ nhiệm Giám đốc điều hành mỏ cũng không đúng với Luật Khoáng sản. Cụ thể, theo quy định Giám đốc điều hành mỏ lộ thiên phải có ít nhất 3 năm kinh nghiệm trở lên và có bằng kỹ sư mỏ lộ thiên... nhưng tháng 11/2012 Công ty này đã bổ nhiệm ông Phạm Ngọc Quân làm Giám đốc điều hành mỏ trong khi ông này chỉ mới nhận Bằng kỹ sư mỏ lộ thiên vào tháng 7/2012.
Hiểm họa "bom bùn"
Việc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư Hòa An từ nhiều năm nay đã sử dụng hình thức khai thác tuyển rửa đã và đang tàn phá môi trường một cách nghiêm trọng. Một "quả bom bùn" đã hình thành trên lưng chừng núi và đang trực tiếp uy hiếp tính mạng và tài sản của các hộ dân sống quanh khu vực khai thác.
Đường bị cày nát vì quặng |
Lòng chảo hang Hờm giờ đây đã thành một hồ chứa bùn có diện tích hàng nghìn m2 nhưng hệ thống bờ bao xung quanh chỉ được đắp lên một cách sơ sài. Vì vậy, sau mỗi trận mưa, đất quặng theo nguồn nước chảy tràn xuống đường, xuống ruộng khiến cuộc sống của bà con bị đảo lộn. Ông Đào Văn Tuyển, thôn Đồng Bèn 2, xã Thượng Ấm chia sẻ, gia đình ông có hơn 1.000m2 ruộng, trước đây là ruộng cấy lúa nước của hợp tác xã nhưng bây giờ phải bỏ hoang vì cứ sau mỗi trận mưa, đất đỏ từ vùng khai thác quặng lại chảy tràn xuống ruộng cao 3- 4cm, lúa không sống được. Cả gia đình có 4 sào ruộng nhưng giờ chỉ canh tác được 1 sào, số còn lại là bỏ hoang. Ngoài gia đình ông, còn có nhiều hộ cũng hứng chịu, cả một vùng đất rộng gần 2ha mới ngày nào còn màu mỡ, giờ đây chỉ còn cỏ dại mọc.
Bức xúc vì những thiệt hại và đã gửi kiến nghị đi khắp mọi nơi mà vẫn không được giải quyết, người dân thôn Đồng Bèn 2 xã Thượng Ấm chỉ còn biết tự tìm cách bảo vệ cho gia đình, cũng như mảnh vườn, ao cá nhà mình bằng những cách không ai ngờ tới. Hệ thống tường rào, cổng nhà đều được xây dựng một cách kiên cố và đặc biệt, bởi nó lại làm để chống bùn từ vùng quặng tràn xuống vào những ngày mưa.
Bà Phan Thị Tần, thôn Đồng Bèn 2, xã Thượng Ấm cho biết: Mọi năm ruộng của gia đình tôi vẫn trồng, cấy bình thường nhưng mấy năm nay đã phải bỏ hoang vì đất quặng tràn vào khi trời mưa, ao cá của gia đình tôi giờ cũng không nuôi thả được nữa. Nhà bà cũng phải đầu tư 20 triệu để xây dựng hơn 80m tường rào đá để ngăn không cho bùn đất từ khu vực mỏ tràn vào.
Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã làm việc với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng nhưng tất cả đều chỉ nhận được những câu trả lời chung chung. Theo chính quyền địa phương cho biết do người dân và công ty tự thỏa thuận đền bù chui nên chính quyền không có cơ sở để giải quyết. Thậm chí ông Lê Tiến Dũng, Trưởng thôn Đồng Bèn 2 cũng không nắm được có bao nhiêu hộ của thôn đã cho công ty thuê đất nông nghiệp để khai thác quặng Barite!
Còn theo ông Phạm Văn Tính, Trưởng phòng Tài nguyên khoáng sản, đại diện Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Tuyên Quang thì khu vực xã Thượng Ấm hiện có 3 đơn vị được cấp phép khai thác, trong đó có Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư Hòa An. Sở cũng biết việc này và đang tiến hành kiểm tra và sẽ xử lý nghiêm những vấn đề vi phạm. Vừa qua, Sở cũng đã đình chỉ khai thác đối với Công ty Cổ phần Xi măng Tuyên Quang vì đã có những vi phạm trong việc khai thác.
Có thể thấy rằng, vì lợi nhuận mà doanh nghiệp đã liên tục "xé rào", còn cơ quan chức năng đã bộc hộ những yếu kém trong thanh tra, kiểm tra, quản lý. Hậu quả để lại là những hiểm họa khôn lường. Môi trường bị tàn phá nặng nề, những ngọn đồi, sườn núi bị cày xới tan nát để lấy quặng, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Người dân đang đối diện với "quả bom bùn" đang treo lơ lửng và không ai dám khẳng định chắc chắn rằng nó sẽ không "phát nổ".
Báo Tin tức sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Minh Quang – Thuận Đức