Hội đồng xét xử tuyên phạt Nguyễn Tấn Lương 3 năm tù về tội trốn thuế. Trước đó, Tòa án nhân dân thành phố Biên Hòa cũng đã xử phạt Lương 4 năm tù về tội "Gây rối trật tự công cộng" theo Điều 318, Bộ luật Hình sự năm 2015. Như vậy, hình phạt chung đối với bị cáo Nguyễn Tấn Lương là 7 năm tù.
Ngoài hình phạt trên, Hội đồng xét xử còn buộc Nguyễn Tấn Lương phải nộp 70 triệu đồng do trốn thuế, buộc Công ty Phú Gia Lương (do Lương làm Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc) phải nộp lại hơn 4,8 tỷ đồng trốn thuế.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Biên Hòa, với vai trò Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phú Gia Lương (đóng tại phường Tân Tiến, thành phố Biên Hòa), Nguyễn Tấn Lương đã có nhiều thủ đoạn để trốn thuế trong suốt thời gian dài. Trong số 20 công trình mà Công ty Phú Gia Lương thi công thì có 11 công trình không được doanh nghiệp xuất hóa đơn để báo cáo thuế và 9 công trình có xuất hóa đơn nhưng với giá trị thấp hơn thực tế, gây thiệt hại trên 4,8 tỷ đồng tiền thuế của Nhà nước.
Trước đó, tháng 6/2019, Nguyễn Tấn Lương đã gọi giới giang hồ đến bao vây xe chở một số cán bộ Công an Đồng Nai sau khi xảy ra mâu thuẫn trong quán nhậu tại thành phố Biên Hòa, gây bức xúc trong dư luận. Ngày 18/5, Tòa án nhân dân thành phố Biên Hòa đã tuyên phạt Nguyễn Tấn Lương 4 năm tù về tội “gây rối trật tự nơi công cộng”, theo Điều 318, Bộ luật Hình sự năm 2015.