Đợt tụ tập ồ ạt về Mường Nhé, tỉnh Điện Biên của người Mông, xã Khun Há, huyện Tam Đường do nghe lời kẻ xấu năm 2011 có 10 hộ và 85 khẩu. Con số đó không nhỏ, đáng để lo ngại và gây xáo trộn, mất trật tự an ninh trên địa bàn. Nhưng khi đến nơi thực tế không đúng như vậy nên các hộ gia đình đã trở về, ổn định đời sống và yên tâm xây dựng kinh tế, có một cuộc sống no ấm. Đến Khun Há những ngày cuối năm lạnh giá, mọi người vui vẻ quây quần bên bếp lửa để nghe chuyện, lòng ai cũng vui sướng...
Theo chân các cán bộ xã về bản Can Hồ để thăm hỏi và động viên các gia đình di cư Mường Nhé trở về, qua trường điểm bản các em học sinh ra chơi nô đùa vui vẻ. Tốp thì thi bắn bi, nhóm em nữ thì nhảy dây, tiếng gọi nhau í ới tạo nên cái âm thanh rộn rã. Anh trưởng bản Chang A Khoa hoạt bát, chân đi thoăn thoắt như con hoẵng rừng vượt dốc.
Trai rừng là vậy. A Khoa đứng ở chái nhà của một gia đình nhìn chúng tôi ì ạch rồi cười. Như được A Khoa báo trước, nên mấy người ngồi đang thêu vá, se sợi cũng niềm nở đón khách bằng ánh mắt rất thân thiện. Đây là gia đình ông Chang A Dua, một trong những hộ di cư sang Mường Nhé. Hôm nay, ông chủ nhà ra chợ huyện, chỉ có vợ là Chang Thị Ly, 45 tuổi và mấy người con. Khổ nỗi mọi thành viên của gia đình đều không nói được tiếng Kinh, đành nhờ tới anh thông dịch Vàng A Dơ - chủ tịch Hội Đồng nhân dân xã trợ giúp.
Tổ công tác xã về các hộ gia đình thăm hỏi, vận động bà con chấp hành chính sách của Đảng, Nhà nước và chăm chỉ làm ăn. |
Cũng như các gia đình khác, nghe theo lời kẻ xấu xúi giục đến Mường Nhé sẽ có cuộc sống khá giả và sung sướng hơn, không phải làm mà có ăn ngon, có mặc đẹp. Vì thế, ông Chang A Dua đã chuẩn bị ba xe máy đưa cả gia đình bỏ nhà đi lúc 10 giờ đêm không ai biết. Đến nơi, người ta bố trí ở chen chúc trong một nhà của dân, bữa ăn bữa nhịn, thiếu thốn đủ bề. Khi ấy, gia đình mới biết mình bị lừa, muốn quay về cũng khó, đành phó mặc đến đâu thì đến. Câu chuyện đang kể dở thì em Chang Thị Ly, 14 tuổi đi chơi về lễ phép chào mọi người. Em ngồi xuống văn vê mấy sợi chỉ thêu của mẹ và thỉ thoảng đưa mắt bẽn lẽn nhìn chúng tôi.
Tôi hỏi Ly, sang bên ấy như thế nào? Có bé ấp úng nói: Khổ lắm! không đi nữa đâu... Anh Chang A Mang, 32 tuổi ngồi đấy nói: Mình đã bảo anh em rồi, đừng đi, ở đó không có gì đâu, khổ lắm, nhưng mọi người đâu có nghe. Ở nhà mình ngoài làm nương, ruộng còn có thu nhập từ cây thảo quả, chịu thương chịu khó sẽ nhanh khá giả, đời sống sung túc hơn nhiều... Vỗn dĩ Chang A Mang nắm rõ như vậy, vì anh lúc 10 tuổi đã sống ở đó, đến 18 tuổi mới về Khun Há lập nghiệp và ổn định đời sống. Đợt ấy, bản Can Hồ cũng có hai gia đình bỏ đi, đều là anh em ruột của Chang A Mang. Trở về, mọi người mới biết cảnh tỉnh trước những lời dụ dỗ của kẻ xấu để nói cho các gia đình trong bản biết không nên tin, không nghe người xấu nữa.
Rời bản Can Hồ, chúng tôi tới bản Ma Sa Phìn. Chiều tà, có đôi giọt nắng sót lại gieo vào lòng người đi đường sự ấm cúng. Người dân trong trang phục Mông, sau gùi lu cở đầy thảo quả đỏ chót bước nhanh chân về bản. Bản Ma Sa Phìn khói bếp lan tỏa. Mùi của thảo quả sấy đủ lửa chín thơm phức. Chúng tôi vào nhà ông Cứ A Thông là một trong mười hộ gia đình di cư tự do sang Mường Nhé. Ông kể lại những ngày mà mình và vợ con vất vả trải qua.
Theo lời của người ta nói sang bên ấy sướng lắm, không phải đi làm mà được chu cấp đầy đủ nên vợ chồng ông và hai người con khăn gói bỏ trốn khỏi bản. Sang đến nơi, ông thấy cuộc sống không đúng như lời họ nói nên ngày sau cả gia đình ông Cứ A Thông rồng rắn đi ra chỗ đóng chốt của bộ đội và xin được hỗ trợ bốn trăm nghìn tiền xe để về quê. Ông Cứ A Thông cho biết: Bà con mình ít chữ nên cứ tin lời kẻ xấu, đây là bài học của đời mình, không gì tốt hơn bằng là ở nhà và tự làm, tự ăn. Bây giờ thì ai cũng biết rồi, không bỏ đi nữa đâu!... Nghe vậy, mấy cán bộ xã cười ồ. Mùa thảo quả này gia đình ông Cứ A Thông cũng thu được kha khá, Tết dân tộc Mông sắp đến, gia đình ông sẽ mổ lợn mừng một cái Tết to và mời anh em, con cháu về cùng chung vui.
Tối về trung tâm xã Khun Há, chúng tôi qua trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS. Ánh điện của của các lớp học sáng trưng, các em học sinh đang ôn bài. Hôm nay, thầy giáo Nguyễn Hợi - hiệu trưởng nhà trường trực bán trú.
Dẫn chúng tôi thăm lớp một vòng, thầy Hợi tâm sự: Ở đây các em còn khó khăn lắm, học sinh nữ cứ học hết cấp một là bỏ ở nhà lấy chồng, vì vậy nhà trường có 309 em thì chỉ có 31 em nữ. Giáo viên đến tận gia đình để vận động, nhưng phụ huynh bảo cho nó đi học thì không có ai ở nhà đi làm. Các giáo viên đành chịu. Có gia đình nghe lọt tai và suy nghĩ đúng nên đồng ý cho con mình theo cô giáo về trường học lại. Nhưng nói chung là nhà trường rất vất vả việc duy trì số lượng và chuyên cần của học sinh...
Chúng tôi trao đổi về việc tiếp nhận và tạo điều kiện của nhà trường như thế nào khi các em học sinh theo bố mẹ di cư trở về? Thầy giáo Nguyễn Hợi cho biết, khi có thông tin di cư tự do trong xã thì nhà trường đã lồng ghép các buổi sinh hoạt để tuyên truyền cho các em học sinh hiểu để về nói với bố mẹ không nên nghe theo lời của kẻ xấu. Nhà trường có ba em học sinh đi cùng bố mẹ, khi quay về thì nhà trường vẫn nhận các em vào lớp và ở bán trú. Đồng thời, thầy cô giáo cũng quán triệt các em học sinh trong trường không được xa lánh và có thái độ kì thị các bạn. Các em trở về, nhà trường cũng có phương pháp giáo dục cụ thể để các em ổn định việc học và theo kịp chương trình cùng các bạn trong lớp.
Tại trụ sở xã, trao đổi với ông Đào Anh Bắc - Bí thư Đảng ủy, chúng tôi được biết: Xã Khun Há là một xã khó khăn của huyện Tam Đường, có 2 dân tộc sinh sống, trong đó người Mông chiếm 96% dân số; đặc biệt người Mông đa phần là theo tôn giáo nên tình hình an ninh trật tự rất phức tạp. Vì vậy, dưới sự chị đạo của huyện, Đảng ủy xã đã tiến hành thành lập các tổ công tác thường xuyên bám bản để vận động, tuyên truyền bà con chấp hành chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước; chăm chỉ làm ăn xây dựng gia đình và thôn bản văn hóa. Đồng thời, tổ công tác cũng nắm bắt tình hình nhanh để đưa ra giải pháp xử lý có hiệu quả.
Qua phản ánh của người dân, chính quyền phát hiện một số hộ gia đình có biểu hiện di cư sang Mường Nhé, xã đã mở 2 Hội nghị trưởng bản, già làng, nhóm trưởng tôn giáo và các đoàn thể để về bản vận động con cháu, người thân không nghe lời kẻ xấu bỏ đi. Chính quyền xã cũng đã quán triệt tuyệt đối không được gia đình nào bán đất đai, nhà cửa, phương tiện làm ăn... những người có tiền cũng không được mua. Nhưng các gia đình vẫn không nghe, đêm khuya mở ti vi to rồi trốn không ai biết.
Ngày 15/4/2011, các hộ bỏ đi, sang đến xã Nậm Kè (Mường Nhé) sống một vài ngày thì mới biết mình bị lừa. Gia đình ông Cứ A Thông bỏ về ngay ngày hôm sau, gia đình ông Giàng A Gàn có 3 khẩu ở bản Sao Phìn Cao ở lại với con rể, các hộ gia đình khác thì về Khun Há trước ngày 7/5/2011. Riêng đối tượng Chang A Dơ, 32 tuổi ở bản Can Hồ bị xử 24 tháng tù giam vì tội hình sự. Chính quyền huyện Mường Nhé cũng giúp đỡ để cho xe chở bà con về tận nhà. Xã Khun Há mở Hội nghị và vận động bà con đã về rồi thì biết sai để rút kinh nghiệm, nói sự thật với các gia đình khác không được nghe lời kẻ xấu bỏ đi. Nhờ chính sách giữ nhà và của cải cho dân, nên các hộ gia đình quay về không gặp khó khăn, vất vả mà sớm ổn định đời sống, sản xuất. Qua bài học này, cùng với sự quản lý và vận động tốt của chính quyền nên trong năm 2012 xã Khun Há không có gia đình nào bỏ đi nữa.
Bước sang tháng 12 âm lịch đồng bào Mông đón Tết truyền thống của dân tộc mình. Người dân mặc trang phục truyền thống xuống chợ mua bán và chuẩn bị lá dong gói bánh, giã bánh dày, mổ lợn, gà ăn Tết to. Rời Khun Há, thời tiết lạnh, nhìn những cánh hoa đào chớm nở ven đường đã báo hiệu mùa xuân no ấm về với bản làng. Lòng tôi bồi hồi và ấm áp...
Bài và ảnh:Việt Hoàng