Tổng cục Hải quan và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã ký kết biên bản ghi nhớ thực hiện Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật Hải quan. Mục tiêu của “Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan” hướng đến là sau 2 năm triển khai, tất cả doanh nghiệp tham gia chương trình từng bước cải thiện mức độ tuân thủ (80% mức tuân thủ trung bình và cao). Cơ quan Hải quan sử dụng chính những kết quả đó cũng như chính các doanh nghiệp tham gia chương trình là những tuyên truyền viên để giúp các doanh nghiệp còn lại ý thức tốt hơn trong việc tự nguyện tuân thủ pháp luật.
Do đây là chương trình thí điểm nên việc lựa chọn đối tượng tham gia cũng được cân nhắc một cách kỹ lưỡng, giai đoạn đầu là khoảng hơn 266 doanh nghiệp với đầy đủ các loại hình: nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước (FDI), doanh nghiệp nhỏ và vừa, các loại hình kinh doanh xuất nhập khẩu. Từ đó, cơ quan Hải quan sẽ có cái nhìn tổng thể để xây dựng phương pháp phù hợp cho từng loại hình.
Lợi ích của Chương trình đem lại cho doanh nghiệp tham gia đó là giảm thời gian thông quan, giảm chi phí cho doanh nghiệp, được bố trí luồng riêng để hỗ trợ (tùy theo điều kiện của từng đơn vị); được trợ giúp bởi các cán bộ hải quan có kinh nghiệm, tăng tỷ lệ luồng xanh - giảm tỷ lệ luồng vàng và đỏ (tỷ lệ phân luồng hiện tại luồng xanh 66,11%, luồng vàng 29,82% và luồng đỏ: 4,06%); cảnh báo các yếu tố tiềm ẩn rủi ro giúp cho doanh nghiệp; giảm thiểu tối đa việc vi phạm pháp luật hải quan…
Trong giai đoạn này, Tổng cục Hải quan cũng ưu tiên cho các đại lý làm thủ tục hải quan. Tính đến thời điểm này, Việt Nam có 1.413 đại lý làm thủ tục hải quan, trong đó có khoảng 7% tờ khai hải quan được làm thủ tục thông qua đại lý. Giai đoạn sau, tùy theo điều kiện và khả năng của mỗi địa phương sẽ tăng dần số lượng doanh nghiệp tham gia chương trình.
‘‘Mục tiêu mà chương trình hướng đến là sau 2 năm triển khai, tất cả doanh nghiệp tham gia chương trình từng bước cải thiện mức độ tuân thủ (80% mức tuân thủ trung bình và cao). Cơ quan Hải quan sử dụng chính những kết quả đó cũng như chính các doanh nghiệp tham gia chương trình là những tuyên truyền viên để giúp các doanh nghiệp còn lại ý thức tốt hơn trong việc tự nguyện tuân thủ pháp luật...’", ông Hoàng Việt Cường cho biết.
Để chương trình đạt hiệu quả cao, ông Hoàng Việt Cường cho rằng: Trách nhiệm trước hết thuộc về cơ quan hải quan. Các cục hải quan địa phương ngoài việc chủ động hướng dẫn, tuyên truyền, giúp đỡ các doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ cũng cần phối hợp chặt chẽ với cấp tổng cục, cấp chi cục; với các đơn vị sở ban ngành trên địa bàn trong việc tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật, cũng như tạo thuận lợi rút ngắn thời gian thông quan, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.
Theo Tổng cục Hải quan, về phía cộng đồng doanh nghiệp, việc triển khai ”Chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật” trước hết đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp nên doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan hải quan để đánh giá lại thực trạng của việc tuân thủ pháp luật hải quan hiện nay, nhằm chỉ rõ các yếu tố, nguyên nhân ảnh hưởng đến việc tuân thủ; từ đó có chiến lược cụ thể từng bước cải thiện tiến tới xây dựng kế hoạch tự nguyện tuân thủ.