Ngày 20/11, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC 46) Công an thành phố Hà Nội đã ra lệnh bắt khẩn cấp và tạm giữ hình sự đối tượng Vương Thúy Nga (sinh năm 1975, ở Nguyễn Đức Cảnh, Tương Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với Lê Thị Bích Hạnh (sinh năm 1983, vừa sinh con nhỏ) ở Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội. Hạnh và Nga tại cơ quan điều tra. Ảnh: tienphong.vn. |
Đây là hai nghi phạm trong vụ giả danh là cán bộ Bộ Y tế thuê người giả mạo Thứ trưởng Bộ Y tế và Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cùng thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế để gọi điện thoại, nhắn tin cho người có nhu cầu xin việc làm tại các bệnh viện, cơ quan Công an Hà Nội, giả vờ “chạy” xin việc cho họ rồi chiếm đoạt tài sản. Bước đầu xác định số tiền các đối tượng đã chiếm đoạt là gần 5 tỷ đồng.
Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận, vào khoảng tháng 12/2013, thông qua một người khác, Hạnh có quen với ông Đoàn Văn Tá. Dù không có nghề nghiệp nhưng Hạnh nói với ông Tá là Hạnh làm việc tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương và có khả năng "chạy" việc cho nhiều người tại các bệnh viện và một số cơ quan công an cấp quận ở Hà Nội. Muốn có việc làm, ông Tá phải giao hồ sơ và kèm theo "chi phí" cho Hạnh.
Tin tưởng vào đối tượng này, ông Tá đã giao cho Hạnh 21 bộ hồ sơ xin việc làm cùng số tiền là 3,11 tỷ đồng. Tiếp đó, để tạo lòng tin, Hạnh nhờ Vương Thúy Nga đóng giả làm nhân viên phòng Kế hoạch Tổng hợp của Bệnh viện Phụ sản Trung ương và nhân viên của Sở Nội vụ Hà Nội để gặp gỡ, hứa hẹn, xin việc làm với một số người có nhu cầu xin việc.
Mỗi lần gặp gỡ, Hạnh trả công cho Nga 200.000 đồng. Hạnh còn tự khắc 1 con dấu "Điều dưỡng Trung cấp" để đóng vào áo blue và 1 con dấu "Bộ Y tế" để đóng vào hồ sơ xin việc, phát cho người nộp hồ sơ xin việc.
Do nhận thấy giả mạo chức danh công tác có thể chiếm đoạt được tiền với số lượng lớn, Nga đã trực tiếp liên lạc với ông Đoàn Văn Tá, giới thiệu với ông này là cán bộ Phòng Kế hoạch Tổng hợp của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, có nhiều quan hệ với lãnh đạo Bộ Y tế, có khả năng xin việc làm tại Bộ Y tế và các cơ quan Nhà nước.
Để tạo niềm tin, Nga còn thuê người giả mạo Thứ trưởng Bộ Y tế và Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cùng thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế để trao đổi điện thoại, nhắn tin với ông Tá, hứa hẹn xin việc làm. Nga đã làm giả tổng cộng 35 thẻ nhân viên y tế tại các bệnh viện. Từ tháng 4 đến tháng 7/2014, Nga đã nhận từ ông Tá tổng cộng 39 hồ sơ xin việc làm để chiếm đoạt số tiền là gần 1,5 tỷ đồng.
Tiếp tục mở rộng vụ án, Cơ quan cảnh sát điều tra (PC46) tiến hành khám xét nhà riêng của Lê Thị Bích Hạnh đã phát hiện 2 hộp dấu khắc chữ "Phòng Kế hoạch Tổng hợp - Sở Y tế" và "Điều dưỡng Trung cấp", 9 điện thoại cùng một cặp tài liệu bên trong chứa nhiều giấy tờ liên quan đến việc nhận tiền, nhận hồ sơ xin việc làm tại các bệnh viện và cơ quan nhà nước.
Hạnh Quỳnh (
TTXVN)