Theo đó, hàng loạt cán bộ sai phạm có liên quan đến vụ việc này đều bị đề nghị xử lý kỷ luật.
Theo Kết luận thanh tra, từ năm 2011 đến ngày 5/8/2018, 21 vị trí (gồm 10 phường, xã) trên địa bàn thành phố Pleiku có tình trạng san lấp mặt bằng, phân lô, bán nền với diện tích gần 340.000 m2, trong đó, phân lô tách thửa hơn 320.000 m2; san lấp mặt bằng hơn 11.000 m2.
Kết luận thanh tra cũng yêu cầu xử lý kỷ luật các cán bộ thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý về đất đai, quản lý trật tự xây dựng, để hành vi vi phạm về quản lý đô thị, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn diễn ra thời gian dài.
Cụ thể, đối với trường hợp san lấp mặt bằng, trách nhiệm chính thuộc về Chủ tịch UBND 10 phường xã; Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Quản lý đô thị, Đội quy tắc đô thị thành phố Pleiku và ông Nguyễn Kim Đại, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku phụ trách lĩnh vực Tài Nguyên và Môi trường, Quản lý đô thị.
Đối với trường hợp tách thửa, phân lô, bán nền, Kết luận thanh tra căn cứ Luật Đất đai năm 2003, Nghị định 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, diện tích tối thiểu được tách thửa.
Mặc dù, UBND tỉnh Gia Lai chưa có quy định diện tích tối thiểu được tách thửa với đất nông nghiệp nhưng từ năm 2007 đến ngày 20/3/2018, UBND thành phố Pleiku đã cho tách thửa 18 vị trí tách thành hơn 1.500 thửa với tổng diện tích hơn 300.000 m2 nằm trên địa bàn 4 phường và 3 xã thuộc thành phố quản lý.
Đồng thời, tự ý chỉnh lý giảm diện tích 2 khu đất và cho phép mở đường để chủ sử dụng đất tự phân lô, bán nền với diện tích gần 40.000 m2. Hành vi của cán bộ, công chức, viên chức Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh, Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố Pleiku, Sở Tài nguyên và Môi trường là không đúng với nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Trách nhiệm chính thuộc về bà Nguyễn Thị Hậu, nguyên Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố Pleiku; ông Trương Đức Vinh, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố Pleiku; ông Chu Đức Thành, Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố Pleiku; ông Nguyễn Thành Tiên, Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố Pleiku cùng lãnh đạo Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai.
Kết luận thanh tra cũng nêu rõ, UBND thành phố Pleiku thu hồi đất, tách thửa, phân lô, bán nền trên đường mới hình thành để hưởng lợi; đồng thời, các con đường mở này lại không đúng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, hạ tầng kết nối không đảm bảo theo quy chuẩn về quy hoạch làm phá vỡ Quy hoạch xây dựng chung của thành phố Pleiku.
Theo đó, Phó Chủ tịch thành phố Pleiku đã ký 13 quyết định cho mở đường trên đất nông nghiệp với hơn 2.000 m đường giao thông không đúng quy định, quy hoạch. Vấn đề này được quy trách nhiệm cho ông Nguyễn Bá Trường, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường; ông Nguyễn Kim Đại, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Đối với các hành vi vi phạm của các chủ sử dụng đất khi tự ý làm đường giao thông trên đất nông nghiệp trách nhiệm chính thuộc về Chủ tịch UBND các xã, phường, Phòng Quản lý đô thị và Đội quy tắc đô thị thành phố Pleiku khi không xử phạt theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, cá nhân có liên quan kiểm điểm trách nhiệm trong việc tham mưu ký các Quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm của thành phố Pleiku (năm 2016, 2017, 2018) trái với Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, đã được tỉnh Gia Lai phê duyệt.
Đồng thời, yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố Pleiku kiểm điểm trách nhiệm trong việc chỉ đạo điều hành chung. Ông Phạm Duy Du, Giám đốc và ông Trần Xuân Hùng, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; ông Nguyễn Kim Đại, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku đều bị yêu cầu kiểm điểm sai phạm và báo cáo về UBND và Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai trước ngày 15/11/2018.
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai còn yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm điểm, nghiêm túc xử lý trách nhiệm đối với lãnh đạo, viên chức Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố Pleiku cùng các cá nhân, đơn vị có liên quan.
Trường hợp hơn 1.500 thửa đất đã tách không đúng quy định, tỉnh Gia Lai quyết định cho giữ nguyên hiện trạng đối với những thửa đất đã chuyển mục đích và xây dựng nhà ở; tạm dừng chuyển mục đích đối với đã tách thửa nhưng chưa chuyển mục đích sử dụng đất, chưa xây dựng nhà ở thuộc khu vực phân lô, bán nền không phù hợp với Quy hoạch cho đến khi UBND thành phố Pleiku xây dựng xong phương án khắc phục.
Thành phố Pleiku có 23 xã, phường trực thuộc, hiện có 7 vị trí với hơn 200.000 m2 vị trí đất phân lô, bán nền theo Quy hoạch là đất nông nghiệp nhưng Kế hoạch sử dụng đất hàng năm là đất ở.