Tại Hội thảo Báo cáo và giám sát xu hướng ma túy tổng hợp được tổ chức trong hai ngày 30 và 31/5/2013 tại thành phố Đà Nẵng, một trong những nội dung quan trọng, nổi bật được quan tâm thảo luận tại Hội thảo là chế độ báo cáo thống kê ma túy tổng hợp trước thực trạng phức tạp của tình hình lạm dụng mua bán và sản xuất ma túy tổng hợp trái phép từ tiền chất.
Qua báo cáo của các chuyên gia quốc tế và trong nước tại Hội thảo cho thấy, xu hướng sản xuất, mua bán, lạm dụng ma túy tổng hợp (MTTH) ATS có những diễn biến mới phức tạp, nghiêm trọng.
MTTH, đặc biệt là methamphetamine (dạng “đá”) đang có xu hướng bùng phát, lan rộng ở Đông Nam Á, Đông Á kéo theo sự xuất hiện nhiều trung tâm sản xuất MTTH. Nhiều đường dây buôn lậu MTTH xuyên quốc gia liên quan đến Việt Nam ở trong và ngoài khu vực, làm gia tăng hoạt động sản xuất trái phép các chất MTTH.
Chỉ tính riêng khu vực Tam giác vàng, lượng MTTH được sản xuất khoảng 2 tỷ viên/năm, sau đó chuyển qua Thái Lan, Lào, Việt Nam sang các nước khác. Nhiều loại ma túy mới đã xuất hiện, điều đó tất yếu kéo theo việc thất thoát tiền chất vào sản xuất ma túy bất hợp pháp. Trong đó tập trung vào một số loại tiền chất thuộc nhóm nguy cơ cao như: Pseudoephedrin, ephedrin, safrol, isosafrol…
Ở Việt Nam, tình hình tội phạm về ma túy diễn biến hết sức phức tạp; tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, gia tăng cả về số vụ và số đối tượng, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ngày càng tinh vi sảo quyệt, manh động, táo tợn và liều lĩnh, nhất là ở các tuyến, địa bàn trọng điểm, như: Tuyến Tây Bắc, Bắc Miền Trung, Tây Nam và các thành phố lớn; đã phát hiện trên 20 vụ mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn từ 20 đến 100 bánh heroin và từ 5 đến 10 kg MTTH.
Chỉ tính riêng từ năm 2010 đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện điều tra hơn 20 vụ tội phạm ma túy lợi dụng tiền chất pseudoephedrin, ephedrin có trong thành phần thuốc thành phẩm để sản xuất ma túy methamphetamine dạng “đá” với thủ đoạn ngày càng tinh vi và liều lĩnh hơn.
Trong khi đó, các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy nhằm phục vụ đời sống kinh tế xã hội ngày càng diễn ra sôi động, nhu cầu sử dụng tiền chất trong sản xuất, kinh doanh ngày càng tăng. Hiện tại có khoảng 300 đơn vị tham gia xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất và khoảng 700 doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến tiền chất.
Cùng với tình hình trên, các chuyên gia trong Hội thảo đều thống nhất đánh giá cao vai trò và ý nghĩa của báo cáo thống kê MTTH, đây là một trong những công cụ quản lý vĩ mô, cung cấp thông tin một cách khái quát, chính xác, đầy đủ và kịp thời giúp đánh giá, dự báo tình hình nhằm hoạch định chiến lược, chủ trương, xây dựng chương trình kế hoạch; phục vụ đắc lực, hiệu quả cho công tác chỉ huy, chỉ đạo về phòng chống và kiểm soát ma túy.
Việt Nam đã tham gia 3 Công ước của Liên Hợp Quốc về kiểm soát ma túy (Công ước 1961, 1971, 1988) vì vậy, việc báo cáo thống kê các chất ma túy trong đó bao gồm cả MTTH, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất được thực hiện theo quy định của Ủy ban kiểm soát ma túy thế giới (INCB).
Đồng thời báo cáo về phòng, chống ma túy (PCMT) của chúng ta hiện nay được thực hiện theo quy định của Luật PCMT, Quyết định số 127/2009/QĐ-TTg ngày 26/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chế độ báo cáo thống kê về PCMT; Quyết định số 52/2011/QĐ-TTg ngày 21/09/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.
Thông tư số 10/2012/TT-BCA ngày 16/2/2012 của Bộ trưởng Bộ Công an Quy định về công tác thống kê trong Công an nhân dân. Hệ thống báo cáo thống kê PCMT của Việt Nam hiện tại được thu thập theo phương pháp thủ công; Bộ Công an là Cơ quan Thường trực tổng hợp báo cáo từ 14 Bộ, ngành chức năng, các tổ chức chính trị xã hội và ủy ban nhân dân các địa phương để trình Chính phủ.
Tuy nhiên, báo cáo thống kê PCMT nói chung, MTTH nói riêng hiện tại còn nhiều khó khăn bất cập, chưa đáp ứng được với yêu cầu và đòi hỏi của tình tình thực tế. Nổi lên đáng chú ý là:
1. Sự chồng chéo giữa các đơn vị trong việc thống kê số liệu dẫn đến tình trạng nhiều đơn vị cùng thu thập, báo cáo về một thông tin; ví dụ một vụ án hoặc một người nghiện có tới 3 đơn vị cùng thống kê báo cáo. Các chỉ tiêu thống kê chưa được giải thích thống nhất dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau vì vậy, kết quả báo cáo thống kê cũng khác nhau; ví dụ việc loại khỏi danh sách người nghiện ma túy sau khi hết thời hạn cai nghiện tại cộng đồng và gia đình; tại các trung tâm cai nghiện; cơ sở quản lý sau cai.
2. Thời hạn báo cáo thống kê được quy định trong Quyết định số 127/TTg đối với báo cáo 6 tháng từ ngày 01/01/ đến ngày 31/6, báo cáo năm từ ngày 01/01 đến 31/12; trong khi đó Thông tư số 10/BCA quy định báo cáo 6 tháng từ ngày 16/11 năm trước đến ngày 15/5 năm làm báo cáo, báo cáo năm từ ngày 16/11 năm trước đến ngày 15/11 năm làm báo cáo. Điều đó dẫn tới hệ lụy chế độ báo cáo thống kê chưa kịp thời, chưa đầy đủ, chưa chính xác...
3. Đơn vị tính số lượng MTTH tại Thông tư số 10/BCA được quy định bằng g (gram), viên (không phân biệt loại ma túy); trong khi đó hệ thống báo cáo thống kê MTTH do INCB ban hành quy định đơn vị tính bằng kg hoặc g (Fom A, B, C, D, A/P ). Vì vậy, không đảm bảo yêu cầu so sánh quốc tế; thậm chí không đáp ứng được yêu cầu truy tố xét xử nhất là trong xu thế hội nhập quốc tế.
Tại Hội thảo các đại biểu đánh giá cao kinh nghiệm trong công tác thu thập, giám sát và báo cáo thống kê tình hình ma túy của Thái Lan, thực trạng công tác thống kê báo cáo tình hình ma túy của các nước theo mẫu của Liên hợp quốc. Thực trạng công tác giám định MTTH tại Việt Nam; trong đó đáng chú ý là khả năng định lượng của cơ quan giám định còn hạn chế vì vậy, ảnh hưởng rất lớn tới chế độ báo cáo thống kê PCMT nói chung, MTTH nói riêng.
Từ những vấn đề nổi lên đáng chú ý trong Hội thảo, nhất là những bất cập trong công tác báo cáo thống kê MTTH chúng ta cần đề ra những giải pháp thiết thực sau:
Thứ nhất: Cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu, của các cấp, các ngành về vai trò và tầm quan trọng của báo cáo thống kê PCMT nhằm tập trung nguồn nhân lực, nguồn kinh phí cho công tác này.
Thứ hai: Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng văn bản pháp luật liên quan đến chế độ báo cáo thống kê PCMT đảm bảo đồng bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng với yêu cầu của tình hình thực tế.
Thứ ba: Tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thống kê PCMT; trước mắt ưu tiên đảm bảo các điều kiện cho Trung tâm thống kê phòng chống ma túy đi vào hoạt động; khẩn trương hoàn thành dự án tin học hóa kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.
Phạm Đình Cửu