Với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện nay có trên 1.500 đò ngang đưa rước hàng triệu lượt khách qua sông mỗi ngày.
Tuy nhiên, rất ít đò ngang có đủ điều kiện an toàn theo quy định pháp luật.
Nhan nhản đò ngang “nhiều không”
Chỉ tính riêng trên sông Hậu, thời gian gần đây, do nhu cầu của nhân dân, đặc biệt là người lao động từ các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long tới các khu công nghiệp của TP Cần Thơ làm việc ngày một tăng cao.
Nếu đi theo đường bộ theo lối qua cầu Cần Thơ thì phải xa gấp mấy lần đường đi qua sông, nên người dân chọn đò ngang. Do lượng khách qua đò đột ngột phát sinh đã hình thành hàng chục điểm phương tiện đưa rước khách ngang sông hoạt động trái phép.
Một chuyến đò chở khách sang sông không đủ điều kiện an toàn tại ĐBSCL. |
Mặc dù TP Cần Thơ mới cấp phép hoạt động cho 90/120 bến đò chở khách ngang sông, nhưng thực tế số đò ngang hoạt động trên sông “đếm không xuể”, bởi thực tế có nhiều đò ngang hoạt động lén lút, không có giấy phép.
Do đó, tỷ lệ đò ngang “nhiều không” gồm phương tiện không đăng ký, không đăng kiểm, không thiết bị an toàn, người điều khiển không chứng chỉ chuyên môn... ở khu vực tuyến sông này là rất lớn.
Tỉnh Đồng Tháp có 162 bến đò ngang, thì có trên 1/3 bến hoạt động “lậu”. Đa số các bến đò này đều không có nhà chờ, không trang bị các thiết bị bảo đảm an toàn.
Vào những giờ cao điểm, các chuyến đò nơi đây thường xuyên trong tình trạng quá tải (đặc biệt tại các bến giáp ranh với TP Cần Thơ) nên việc cấm chở quá số người quy định dường như là bất khả kháng.
Nhằm đối phó với lực lượng chức năng, các chủ đò chạy “chui” trên tuyến sông Hậu giở nhiều “chiêu” như thay đổi giờ đưa rước khách, giả làm phương tiện đò dọc chơi trò “đò gọi”, chờ khi khách điện thoại sẽ cập bến.
Một địa chỉ khác là Kênh Xáng Xà No, đoạn từ Phụng Hiệp, Hậu Giang đi Sóc Trăng dài chừng 30 km nhưng có khoảng 70 bến khách chở ngang sông mọc lên san sát.
Đi dọc trên bờ kênh, cứ cách từ 30 – 40m lại thấy biển gỗ hình mũi tên ghi “Bến đò”. Gọi là bến, xong đường lên xuống mấp mô, nhà chờ không có; phương tiện đưa rước khách đủ loại: Xuồng ba lá, đò máy... không phao cứu sinh, còi, đèn, không đảm bảo an toàn, người điều khiển không giấy phép hành nghề...
Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Hậu Giang, đến nay tỉnh Hậu Giang mới chỉ có khoảng 30% trên tổng số 150 bến đò được phép hoạt động. Ngoài Phụng Hiệp, các huyện Long Mỹ, Vị Thủy, Châu Thành A cũng có nhiều phương tiện thủy “tự chế” biến thành đò ngang hoạt động trái phép.
Cần giải pháp quản lý đồng bộ
Nói về giải pháp hạn chế tình trạng đò ngang hoạt động trái phép, Đại tá Lê Thanh Chiến - Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, Công an TP Cần Thơ cho biết: “Việc chấn chỉnh sai phạm của bến khách, đò ngang hiện nay cần có các giải pháp đồng bộ, như tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong việc kiểm tra, khai thác luồng lạch; tạo điều kiện thuận lợi để chủ phương tiện đăng ký, đăng kiểm; thường xuyên mở các đợt cao điểm thanh tra kiểm soát và xử lý nghiêm các chủ đò vi phạm Luật Giao thông vận tải nội địa; đẩy mạnh phong trào xây dựng “Bến đò an toàn”, “Người tự quản tìm hiểu pháp luật giao thông đường thủy nội địa”; kêu gọi xã hội hóa nguồn tài trợ trang thiết bị an toàn cho các bến đò...”.
Tại tỉnh Vĩnh Long, lực lượng cảnh sát đường thủy cũng triển khai những biện pháp đảm bảo an toàn giao thông đối với các bến khách ngang sông, đặc biệt là trong mùa mưa lũ và trước Tết Nguyên đán.
Thượng tá Châu Văn Trạng - Trưởng phòng Cảnh sát Đường thủy Công an tỉnh cho biết: “Trước tình trạng đò ngang vi phạm tràn lan như lâu nay, lực lượng cảnh sát đường thủy Vĩnh Long đang tập trung tăng cường công tác quản lý bến và phương tiện chở khách ngang sông; kiên quyết đình chỉ hoạt động các bến và phương tiện không đảm bảo an toàn, nhất là kiểm tra, giám sát chặt chẽ và không cho rời bến đối với các phương tiện vận tải chở quá số người quy định.
Bên cạnh đó, lực lượng kiểm tra sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như mở bến thủy nội địa không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền; người điều khiển phương tiện không có bằng lái, chứng chỉ chuyên môn; phương tiện không đăng ký đăng kiểm hoặc đăng ký, đăng kiểm hết hiệu lực; phương tiện cũ nát, không đảm bảo số lượng, chất lượng trang thiết bị an toàn...
Tuy nhiên, các giải pháp xử phạt cần phải được tiến hành song song với tuyên truyền, hỗ trợ giúp chủ đò được học Luật, đò được đăng ký, đăng kiểm, có áo phao cứu sinh... thì hiệu quả mới cao”.
Đại diện các cơ quan chức năng cũng kiến nghị, để giải quyết dứt điểm vấn nạn đò ngang hoạt động không an toàn, rất cần những giải pháp đồng bộ cũng như sự vào cuộc quyết liệt, tích cực của các địa phương, ban ngành chức năng các tỉnh, thành ở khu vực ĐBSCL.
Văn Huyên