Hạn chế án oan, sai

Các vụ án oan, sai được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 7/11 về công tác phòng, chống tội phạm. Nhiều đại biểu cho rằng, phải siết chặt kỷ cương trong công tác cán bộ đối với thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên.


Dũng cảm nhận sai, kiên quyết sửa


Các đại biểu cho rằng, từ đầu năm tới nay, ngành tư pháp đã có nhiều nỗ lực thực hiện tốt Nghị quyết 37 của Quốc hội về về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Các cơ quan tư pháp đã tích cực điều tra, truy tố xét xử kịp thời, đúng pháp luật. Riêng ngành Tòa án đã có những nỗ lực rất lớn, đã thụ lý số lượng vụ án rất lớn tới gần 361.000 vụ các loại.

 

Đại biểu Đào Thị Xuân Lan (Hưng Yên) phát biểu. Dương Giang - TTXVN


Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được của ngành tư pháp, vẫn còn để xảy ra các án oan, án sai, đặc biệt là trường hợp ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) phải ngồi tù 10 năm vì bị xử oan.


Theo một số đại biểu, các vụ án oan, sai không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, sinh hoạt người bị tuyên án, mà còn ảnh hưởng sâu sắc tới gia đình họ. Ngoài ra, để xảy ra oan sai còn làm mất lòng tin của người dân vào hệ thống tư pháp, đổ vỡ mọi thành tích mà các cơ quan tư pháp làm được. Do đó, cần có sự nhìn nhận khách quan và rút ra bài học kinh nghiệm.


“Việc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị, minh oan cho ông Nguyễn Thanh Chấn đã bị xử cách đây 10 năm là một hành động dũng cảm. Chúng ta làm sai, dám dũng cảm nhận sai, bởi việc sai này còn liên quan đến nhiều người về trách nhiệm, chúng ta phải xác minh sau này. Phải minh oan cho họ, dù 100 năm sau chúng ta thấy sai vẫn phải sửa để lấy lại lòng tin cho nhân dân”, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nói.


Nâng cao chất lượng cán bộ


Đại biểu Đào Thị Xuân Lan (Hưng Yên) cho rằng, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, bị sửa do lỗi chủ quan của tòa án vẫn chưa giảm mạnh, một số tòa án vẫn chưa khắc phục triệt để các vụ án để quá hạn luật định, việc tuyên án không rõ ràng, khó thi hành. Một số cán bộ thẩm phán vi phạm phẩm chất đạo đức, kỷ luật công vụ, thậm chí có những thẩm phán đã vi phạm pháp luật về hình sự.

Báo cáo của Chính phủ và các cơ quan tư pháp cho thấy. Trong năm 2013 có tổng số 179 cán bộ công chức bị xử lý, trong đó ngành công an xử lý 32 cán bộ chiến sỹ, Viện kiểm sát nhân dân xử lý 18 cán bộ, Tòa án nhân dân xử lý 71 cán bộ, ngành thi hành án dân sự xử lý 58 công chức.


Phân tích nguyên nhân để xảy ra oan sai, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho rằng, nguyên nhân chính là khâu tranh tụng tại tòa. Các luật sư bào chữa chưa được tạo điều kiện đầy đủ để tranh tụng. Đại biểu cũng đặt vấn đề về trình độ của điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán cần phải đáp ứng yêu cầu.


Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) nhận định, cả hai ngành tòa án, kiểm sát còn tồn đọng trên 10.000 đơn khiếu nại, giám đốc thẩm, tái thẩm là con số quá lớn. Hiện nay nhận thức của xã hội xem giám đốc thẩm, tái thẩm là cấp xét xử thứ 3. Tâm lý người dân dường như thiếu tin ở cấp phúc thẩm và họ cố gắng chờ điều kỳ diệu sẽ xảy ra ở cấp xét xử thứ 3 làm thay đổi bản án. Thời gian qua, nhiều bản án, quyết định bị hủy theo trình tự đặc biệt này.


Nguyên nhân của tình trạng này, theo đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên), là năng lực và trách nhiệm của một bộ phận cán bộ tư pháp còn yếu. Nhiều trường hợp tiêu cực, sa sút phẩm chất đạo đức, vi phạm pháp luật, một số trường hợp phải xử lý hình sự. Đại biểu đề nghị cần thường xuyên kiểm tra, thanh tra nội bộ, kỷ luật công vụ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm tiêu cực nhằm xây dựng các cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh.


Để giải hạn chế tình trạng án oan, án sai, các đại biểu cho rằng, ngành tòa án, kiểm sát cần siết chặt kỷ cương trong công tác cán bộ; thẩm phán, kiểm sát viên có án bị hủy do lỗi chủ quan thì phải tiến hành kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân sai phạm. “Kiên quyết không bổ nhiệm lại những người có án bị hủy, khắc phục tình trạng che giấu số lượng án bị hủy khi làm thủ tục tái bổ nhiệm. Làm được việc này thì chắc chắn chất lượng xét xử án sẽ nâng cao, đơn giám đốc thẩm, tái thẩm sẽ không quá nhiều như hiện nay”, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) nhấn mạnh.


Ngoài ra, đại biểu Đào Thị Xuân Lan (Hưng Yên) bổ sung giải pháp chú trọng công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức của ngành, coi đây là yêu cầu và là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng của công tác xét xử và giải quyết các loại án.

 

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang: Kiềm chế tội phạm gia tăng

Bộ Công an sẽ kiện toàn bộ máy, cử các cán bộ chuyên môn giỏi tập trung trấn áp tội phạm, đặc biệt là tội phạm tham nhũng. Đồng thời không để xảy ra oan sai trong việc điều tra.

Trong bối cảnh hiện tại, tình hình kinh tế có nhiều khó khăn là yếu tố làm gia tăng tội phạm, nhưng chúng ta đã kiềm chế được tình trạng gia tăng tội phạm, đặc biệt là các vụ án nghiêm trọng, thể hiện sự cố gắng rất lớn của cả hệ thống chính trị.

Ngoài nguyên nhân khách quan, còn có nguyên nhân một bộ phận cán bộ xuống cấp về đạo đức. Một số cán bộ chưa kịp thời nắm bắt tình hình, có nơi để tội phạm gia tăng nhưng chưa xử lý kiên quyết.

Trong vi phạm về kinh tế và tham nhũng, mặc dù chúng ta đã có nhiều cố gắng nhưng việc phát hiện và xử lý chưa tương xứng với tình hình. Chúng tôi đã cố gắng đẩy nhanh tiến độ, chuyển viện kiểm sát đề nghị truy tố các vụ việc.

Tình hình trật tự an ninh còn diễn biến phức tạp. Do vậy, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, liên tục mở các đợt cao điểm tấn công tội phạm băng nhóm có tổ chức, xuyên quốc gia, buôn bán người, tham nhũng…

 

Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình: Không để oan, nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm

Song song với quá trình chống oan, sai là chống lọt tội. Dư luận quan tâm nhiều tới việc chống oan sai, mà chưa quan tâm tới chống lọt tội.

Chúng tôi đã tham mưu nhiều cấp ủy đảng để ban hành các nghị quyết, đổi mới hệ thống chỉ tiêu với yêu cầu cao hơn, tăng cường kháng nghị, phối hợp các ban ngành để tăng cường tin báo tội phạm để chống lọt tội phạm. Tăng cường các yêu cầu điều tra để chống oan, lọt tội. Tăng cường trao đổi để rút kinh nghiệm.

Chúng tôi cũng đã phát hiện, xử lý 69 vụ án tham nhũng trong các cơ quan tư pháp trong 3 năm qua với các tội thiếu trách nhiệm, lạm dụng chức vụ quyền hạn. Trong đó có 23 vụ nhận hối lộ.

 

Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình: Đề nghị phát triển án lệ

Với vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao trên cơ sở của Viện trưởng Viện KSND tối cao đã giải quyết triệt để vụ án, phù hợp với luật tố tụng. Các vụ án thực sự sai khác sẽ được sửa đến cùng.

Về giải pháp để giảm án bị hủy, sửa, chúng tôi cho rằng cần phải đẩy mạnh việc tranh tụng tại tòa, dân chủ hóa quá trình tố tụng. Thứ hai là phát huy, đảm bảo vai trò của công tố viên, luật sư, kiểm sát viên chứng minh các chứng cứ buộc tội. Thứ ba là nâng cao chất lượng đội ngũ thẩm phán, kiểm sát viên, cán bộ điều tra và đội ngũ nhân viên tư pháp. Trên 10.000 hội thẩm nhân dân sẽ được bồi dưỡng thêm. Xây dựng Học viện Tòa án để nâng cao chấp lượng đội ngũ.

Ngoài ra, cần áp dụng pháp luật thống nhất dựa trên các chuẩn mực chung cho các vụ án tương tự để xử các vụ sau, phát triển án lệ. Đề nghị đưa tinh thần này vào luật, đảm bảo áp dụng pháp luật thống nhất, kể cả điều tra và kiểm sát. Việc này sẽ giảm tồn đọng đơn giám đốc thẩm, tái thẩm.


Phi Sơn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN