Nhiều tháng nay, hàng trăm hộ dân thuộc xóm 5 và xóm 6 của xã Hải Phúc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định phải chung sống với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do một trang trại sản xuất nông nghiệp sinh thái gây ra.Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN |
Điều khiến dư luận tại địa phương bức xúc là trang trại này tổ chức chăn nuôi lợn quy mô lớn, mà không tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, song các cấp, ngành chức năng vẫn chưa xử lý.
Xóm 5 và xóm 6 thuộc xã Hải Phúc (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) nằm dọc bên bờ sông Sò. Cuộc sống của người dân đang thanh bình với "hương đồng, gió nội" thì bị xáo trộn từ khi ông Vũ Trọng Nghĩa (trú tại xã Hải Lộc, huyện Hải Hậu) thắng thầu khu đất bãi bên kia sông Sò thuộc địa phận xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy với thời hạn thuê đất 5 năm.
Sau khi trúng thầu, ông Nghĩa cho xây dựng một trang trại chăn nuôi lợn thịt tập trung với quy mô hơn 1.000 con ngay tại khu bãi. Trang trại chính thức hoạt động từ cuối năm 2012, và từ đó cuộc sống của hàng trăm hộ dân xóm 5 và xóm 6 xã Hải Phúc bị ảnh hưởng.
Ông Lê Đình Quảng ở xóm 5 bức xúc cho biết: Mùi hôi thối từ trang trại lợn của ông Vũ Trọng Nghĩa đã làm ô uế bầu không khí vốn rất trong lành vùng quê chúng tôi. Giờ đây, nhiều đêm ngủ "mơ mơ, màng màng" cứ ngỡ mình ngủ chung với lợn. Cuộc sống của chúng tôi khó chịu lắm nhà báo ạ. Tại các buổi tiếp xúc cử tri hồi tháng 6-7 vừa rồi, chúng tôi đều có kiến nghị các cấp, ngành giải quyết, nhưng tới nay mọi việc vẫn không không thay đổi.
Theo quan sát của phóng viên, khu trang trại của ông Vũ Trọng Nghĩa nằm ở vị trí đắc địa bên sông Sò, ngay chân cầu Hà Lạn nối hai xã Giao Thịnh của huyện Giao Thủy và xã Hải Phúc của huyện Hải hậu. Khu trang trại được xây dựng khá kiên cố với 3 dãy nhà gồm khu chăn nuôi và khu điều hành. Tuy nhiên, từ cách xa 300 - 400m, đã nhận biết được mùi hôi thối bốc tới từ khu trang trại hết sức nồng nặc, khó chịu dù đang là mùa thu mát mẻ.
Làm việc với phóng viên, ông Phan Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Giao Thịnh (huyện Giao Thủy) cho biết: Để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xã đã chuyển đổi 97 ha diện tích trồng lúa năng suất thấp sang chăn nuôi, trong đó có vùng bãi thải ven sông Sò. Khu bãi này có diện tích hơn 2,3 ha đã được UBND xã cho ông Vũ Trọng Nghĩa đấu thầu 5 năm với mức phí 25 triệu đồng/ha/năm từ năm 2011.
Theo hợp đồng thuê đất, ông Nghĩa tổ chức sản xuất nông nghiệp sinh thái và làm du lịch. Nhưng trên thực tế, ông Nghĩa đã tổ chức chăn nuôi lợn thịt quy mô lớn tới hơn 1.000 con, mà không có bất cứ báo cáo đánh giá tác động môi trường nào theo quy định. Mùi hôi thối từ trang trại khiến người dân không chỉ địa phương, mà còn ở các xóm 5 và 6 của xã Hải Phúc bên kia sông rất bức xúc.
Tháng 7 và 8/2013, chính quyền xã đã có ý kiến đề nghị ông Nghĩa phải có biện pháp xử lý môi trường nếu không xã sẽ chấm dứt hợp đồng cho thuê đất. Ông Nghĩa cam kết sau lứa lợn này sẽ áp dụng công nghệ sạch trong chăn nuôi như dựng hàng rào, phun nước dạng sương và xử lý hóa chất... để khử mùi.
Tiếp xúc với phòng viên, ông Vũ Trọng Nghĩa cũng thừa nhận hành vi gây ô nhiễm môi trường là vi phạm pháp luật. Trang trại của ông Nghĩa hiện có hơn 1.000 con lợn thịt nuôi theo công nghệ sạch, khách vào thăm quan hay liên hệ công việc đều phải trải qua khâu khử trùng. Song, hiện trang trại này chưa có bất cứ biện pháp xử lý nào, chưa xây dựng hệ thống bể lắng, bể lọc, Biogas, nên toàn bộ phân chỉ được thu gom, nước thải được xả trực tiếp ra con kênh bên cạnh khu chăn nuôi.
Theo ông Nghĩa, sau lứa lợn này, khoảng 6 tháng nữa, ông mới có thể làm hệ thống xử lý, gồm bể trải bạt, hệ thống phun sương, xử lý hóa chất... Còn giờ thì không thể vì kinh tế đang rất khó khăn. Theo như cam kết của ông Nghĩa, hàng trăm hộ dân của các xóm 5 và xóm 6 xã Hải Phúc sẽ tiếp tục chịu đựng mùi hôi thối tới 6 tháng nữa.
Theo quy định của pháp luật, cụ thể là Nghị định 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường và các phụ lục kèm theo, khi xây dựng cơ sở chăn nuôi gia súc tập trung quy mô từ 500 đầu gia súc trở lên đối với trâu, bò; từ 1.000 đầu gia súc trở lên đối với các gia súc khác phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Còn theo Nghị định 117/2009/NĐ-CP ngày 31/12/2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hành vi không có báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định thì sẽ bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng.
Nguyễn Trường