Hòa Bình quyết tâm xóa lò gạch gây ô nhiễm

Theo Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình, hiện trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại hơn 80 lò gạch thủ công hoạt động với sản lượng hàng năm đạt khoảng 76 triệu viên. Những lò gạch thủ công này đang là nỗi bức xúc của nhiều người dân xung quanh mỗi khi các lò nhả khói.

Những lò gạch tỏa khói mù mịt gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.


Tại huyện Tân Lạc, hiện vẫn còn hơn 20 lò gạch thủ công hoạt động, nhiều nhất ở xã Quy Hậu và Mãn Đức. Theo phản ánh của nhân dân hai xã, các lò gạch này sử dụng nguyên liệu chủ yếu là than củi, than đá và than trộn bùn, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhất là vào mùa khô. Khu sản xuất này mỗi năm cung ứng ra thị trường từ 5 - 7 triệu viên gạch, đồng thời giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 40 lao động phổ thông với mức thu nhập từ 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng. Mặc dù hiệu quả kinh tế mang lại cho chủ lò gạch và người dân trong vùng khá quan trọng, nhưng hệ lụy của nó để lại cho môi trường cũng không hề nhỏ. Đất bị cày xới, khí độc hại gây ô nhiễm làm ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân trong vùng, nhiều diện tích hoa màu giảm năng suất...

Chủ lò gạch Đặng Văn Sơn, ở thôn Tân Phong, xã Mãn Đức, huyện Tân Lạc, cho biết: "Gia đình tôi cũng biết sản xuất gạch theo kiểu thủ công là trái với chủ trương, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường và cuộc sống người dân. Nhưng thực tế, gia đình không đủ điều kiện vay số vốn lớn để chuyển đổi sang lò sản xuất công nghệ hiện đại, nên đành để nó hoạt động, đến đâu hay đến đó".
Có tận mắt chứng kiến những lò gạch thủ công nhả khói trắng đục, mùi hôi nồng nặc bay theo chiều gió, mới thấu hiểu nỗi khổ của người dân nơi đây. Chị Bùi Thị Hương, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ xóm Đồi I, xã Kim Tiến, huyện Kim Bôi, cho biết: Từ khi các lò gạch thủ công mọc lên, số trẻ em bị nhiễm đường hô hấp, viêm phế quản, viêm phổi tăng, nhiều trường hợp phải đưa đi cấp cứu. Cả xóm Đồi I có hơn 130 hộ thì có đến hơn 70 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp từ khói của các lò gạch thủ công nhả ra.
Theo ông Trần Hồng Quang, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình, việc xóa lò gạch thủ công còn nhiều nan giải, nguyên nhân là kinh phí đầu tư quá lớn, năng lực, trình độ để vận hành lò mới chưa có. Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo phòng kinh tế hạ tầng ở các huyện, thành phố rà soát các lò gạch thủ công đang hoạt động để có giải pháp xử lý. Riêng hai huyện Tân Lạc và Kim Bôi, có số lượng lò gạch thủ công hoạt động nhiều, cần có những giải pháp mạnh hơn, quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên đất, dần thực hiện cưỡng chế và đóng cửa các lò gạch thủ công. Phấn đấu đến năm 2012 xóa bỏ toàn bộ số lò gây ô nhiễm.

Bài và ảnh: Nguyễn Quốc Trị

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN