Hội thảo là cơ hội để các đơn vị, tổ chức tìm hiểu thêm thông tin về chính sách, chia sẻ các giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi xuất bản phẩm lậu và đưa ra kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Quỹ song phương Anh – Việt của Bộ Ngoại giao Anh và nguồn quỹ phòng, chống in - phát hành xuất bản phẩm lậu của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cùng đơn vị thành viên.
Phó Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam Lê Thành Anh cho biết: Trong những năm qua, hoạt động in lậu, in giả, in nối bản trái phép tại Việt Nam diễn ra với quy mô lớn, tính chất ngày càng phức tạp. Đối tượng in lậu dùng nhiều thủ đoạn để đối phó, tránh sự phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng. Không chỉ sách của các nhà xuất bản trong nước, còn có sách của các đơn vị xuất bản nước ngoài (cả trong và ngoài Việt Nam) cũng bị in lậu, phát hành lậu trên thị trường Việt Nam với số lượng không nhỏ.
Hệ quả của in lậu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho tác giả, các nhà xuất bản, đối tác liên kết, làm thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế khi tham gia Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật.
Theo Đại sứ Vương Quốc Anh tại Việt Nam Gareth Ward, các nhà xuất bản quốc tế, Việt Nam và Vương quốc Anh đang phải đối mặt với vấn đề xuất bản phẩm in lậu khi hoạt động tại thị trường Việt Nam. Cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vấn đề phòng chống in lậu xuất bản phẩm, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực xuất bản cho tất cả người dân nhằm cải thiện môi trường kinh doanh khi Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.
Tạo hội thảo, các đại biểu đại diện cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, lĩnh vực xuất bản; đại diện cơ quan quản lý thị trường, cơ quan công an; đại diện Cục Sở hữu trí tuệ Vương quốc Anh; các nhà xuất bản của Việt Nam và nước ngoài; các trường đại học; các đơn vị phát hành đã trao đổi, thảo luận về các giải pháp góp phần nâng cao nhận thức về vấn đề chống vi phạm bản quyền đối với xuất bản phẩm, kêu gọi xã hội cùng quan tâm, chia sẻ các giải pháp góp sức ngăn chặn, đẩy lùi xuất bản phẩm lậu. Nhiều đại biểu cho rằng: Việc loại trừ các hành vi in, phát hành xuất bản phẩm lậu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là nhiệm vụ không chỉ của các cơ quan quản lý nhà nước, của chính quyền các địa phương, cần có sự góp sức của các chủ sở hữu xuất bản phẩm và của toàn xã hội.
Để đấu tranh có hiệu quả chống xuất bản phẩm lậu, cần sự phối hợp của nhiều cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội, các cơ quan chức năng, các lực lượng liên ngành, các nhà xuất bản, các tổ chức liên quan và người đọc, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình đối với công tác này, kiên trì, kiên quyết từng bước đẩy lùi xuất bản phẩm lậu. Các cấp, các ngành và người dân cần góp sức với ngành Xuất bản, ngành Giáo dục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại, hậu quả của vấn nạn in, phát hành sách lậu dưới các hình thức, nói "Không" với xuất bản phẩm lậu, quyết tâm bài trừ xuất bản phẩm lậu...