Trước đó, vào khoảng 15 giờ 15 phút ngày 15/9, Tổ Công tác của đội 2, Phòng 8, Cục CSGT đang làm nhiệm vụ, phát hiện ô tô nhãn hiệu Lexus KBS 20L - 8888, do anh Nguyễn Việt H. điều khiển, vi phạm lỗi chạy quá tốc độ, nên ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra.
Khi anh H. xuống xe xuất trình giấy tờ thì bị ô tô tải do Nguyễn Văn Thành (sinh năm 1984, trú huyện Chương Mỹ, Hà Nội) điều khiển đâm vào đuôi xe của H. Sau đó, chiếc xe tiếp tục tông vào anh H. và CSGT Nguyễn Anh Tuấn (sinh năm 1978, là cán bộ đội 2, Phòng 8, Cục CSGT).
Sau khi gây tai nạn, lái xe rời khỏi hiện trường. Anh H. và anh Nguyễn Anh Tuấn được đưa cấp cứu tại bệnh viện Việt Đức. Đến 19 giờ 35 cùng ngày, do vết thương quá nặng, anh H. đã tử vong.
Để làm rõ lỗi trong vụ tai nạn, cũng như việc CSGT có được ra hiệu lệnh dừng đỗ xe để kiểm tra trên đường cao tốc, Phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội về vấn đề này.
Thưa luật sư, trong quá trình tuần tra, kiểm soát trên đường cao tốc, CSGT có được phép dừng xe của người điều khiển phương tiện giao thông để kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính không?
Căn cứ Khoản 1 Điều 5 Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định về quyền hạn của CSGT khi thực hiện việc tuần tra, kiểm soát trên đường cao tốc như sau: “Được dừng các phương tiện đang tham giao thông đường bộ; kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện; kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát, việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định pháp luật…”
Như vậy, theo quy định này thì CSGT có quyền yêu cầu người tham gia giao thông đang di chuyển trên đường cao tốc dừng lại, kiểm tra giấy tờ và xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, khi dừng phương tiện phải đảm bảo an toàn, đúng quy định và không làm cản trở đến hoạt động giao thông.
Căn cứ quy định của Pháp luật và Bộ Công An ban hành, CSGT được quyền dừng xe của người tham gia giao thông trên cao tốc để thực hiệc việc tuần tra, kiểm soát theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khi dừng phương tiện trên đường cao tốc, lực lượng CSGT cũng phải thực hiện các công tác đảm bảo ATGT như: Đặt rào chắn bằng nhựa hoặc cao su hình chóp nón, biển cảnh báo “đi chậm” phía sau phương tiện bị dừng với chiều dài đoạn đường đặt rào tối thiểu là 100 m.
Theo quan điểm của luật sư, trong vụ tai nạn giao thông trên, lỗi thuộc về ai?
Đánh giá chính xác lỗi vi phạm luật giao thông đường bộ thuộc về ai để làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật, trước tiên chúng ta cần đợi kết quả điều tra của cơ quan chức năng.
Để có căn cứ xử lý vụ việc cần căn cứ Thông tư 09/2013/ TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/8/2013 hướng dẫn Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (Điều 202 Bộ luật hình sự 1999, nay là Điều 260 Bộ luật hình sự 2015) được hiểu là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy tắc giao thông đường bộ và hành vi này phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn. Nghĩa là phải có hành động va chạm trực tiếp giữa các phương tiện với nhau.
Xét trong vụ việc này thấy nguyên nhân chính dẫn tới vụ tai nạn là do lỗi của lái xe tải đã thiếu quan sát, không giảm tốc độ khi gặp xe ô tô Lexus đang dừng đỗ bên làn đường khẩn cấp lối mở rẽ ra cao tốc Thái Nguyên – Hà Nội ở nút giao Bắc Phú – Sóc Sơn.
Hành vi của lái xe tải đã có lỗi vi phạm Luật Giao thông đường bộ (GTĐB):
Vi phạm Khoản 5, Điều 4 Luật GTĐB Nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ, “Người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ”.
Vi phạm Điều 12 Luật GTĐB Tốc độ xe và khoảng cách giữa các xe “Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải tuân thủ quy định về tốc độ xe chạy trên đường” và vi phạm Khoản 1 Điều 5 Thông tư 91/2015/TT-BGTVT Các trường hợp phải giảm tốc độ “Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối đa cho phép (có thể dừng lại một cách an toàn) trong các trường hợp sau: Có biển cảnh báo nguy hiểm hoặc có chướng ngại vật trên đường”.
Hậu quả thiệt hại về người và tài sản, lái xe tải đã có dấu hiệu phạm tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự 2015.
Hành vi dừng đỗ xe của lái xe Lexus vào làn khẩn cấp lối mở rẽ ra cao tốc Thái Nguyên – Hà Nội khi CSGT ra hiệu lệnh dừng xe nếu đã chấp hành các yêu cầu về dừng đỗ xe đúng quy định và có các biện pháp cảnh báo an toàn thì không có lỗi vi phạm. Trường hợp, nếu dừng đỗ xe không đúng quy định, không có biện pháp đảm bảo an toàn và cảnh báo sẽ có lỗi vi phạm điểm d, Khoản Điều 18 Luật GTĐB dừng xe, đỗ xe trên đường bộ “Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết”.
Đối với CSGT, người ra tín hiệu dừng xe ô tô khi phát hiện lỗi vi phạm trên đường cao tốc, nếu việc dừng xe này không thực hiện đúng quy trình tuần tra, kiểm soát trên đường cao tốc quy định tại Thông tư 01/2016 và quy định của Bộ Công an thì đó không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra vụ tai nạn. Việc xử lý dừng xe không đúng quy định sẽ không vi phạm luật hình sự.
Điều 260: Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ
1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương có thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;
c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Làm chết 02 người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%:
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Xin cảm ơn luật sư!