Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã có kết luận việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và quản lý đất đai tại thành phố Hà Nội.
Kết luận thanh tra nêu rõ: Thời gian qua, nhất là sau khi hợp nhất Hà Nội, Hà Tây và một phần tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc (tháng 8/2008), công tác quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quản lý sử dụng đất đai trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhiều thay đổi đáng kể về nhiều mặt, đã mang lại kết quả thiết thực với những tính chất đặc thù của một thủ đô lớn, tầm cỡ, nhiều khu đô thị mới, khu nhà ở, khu thương mại dịch vụ, công trình công ích, công trình giao thông hiện đại đã và đang hình thành, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của thành phố cũng như cả nước, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai, UBND thành phố, quận, huyện, các sở, ngành, tổ chức, cá nhân liên quan đã có những khuyết điểm, vi phạm:
Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Công tác lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn nhiều hạn chế về chất lượng, hiệu quả, chậm về thời gian; kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hầu hết không đạt chỉ tiêu phê duyệt, gây lãng phí.
Về quy hoạch, thực hiện đầu tư xây dựng các khu đô thị, nhà ở tập trung còn dàn trải, quy hoạch chưa đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Tại một số dự án được thanh tra, nhất là các dự án thuộc địa bàn tỉnh Hà Tây và Hòa Bình (cũ), do chưa phù hợp với định hướng quy hoạch xây dựng thủ đô Hà Nội, UBND thành phố đã phải quyết định dừng triển khai thực hiện 192/398 đồ án quy hoạch (bằng 48%) với tổng diện tích 19.607,98 ha để rà soát, xử lý cho phù hợp với quy hoạch chung của thành phố mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, từ đó đã gây không ít khó khăn cho cuộc sống của người dân trong vùng quy hoạch, đình trệ việc thực hiện các dự án đã được giao đất, tiềm ẩn nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, tố cáo.
Chất lượng các đồ án quy hoạch chi tiết các khu đô thị chưa cao, một số đồ án qua kiểm tra còn thiếu đồng bộ trong sử dụng đất, phát triển, khai thác hạ tầng, một số đồ án trên địa bàn 4 quận, huyện qua thanh tra chưa đầy đủ căn cứ pháp lý, chỉ tiêu phê duyệt, có nội dung chưa đúng quy chuẩn xây dựng, không đủ diện tích tối thiểu về đất ở, trạm y tế, trường học, giao thông, bãi đỗ xe...; nhiều dự án dọc hai bên Đại lộ Thăng Long vi phạm hành lang an toàn giao thông, cao độ san nền không phù hợp với hệ thống thoát nước, cao độ đường gom của Đại lộ Thăng Long tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc giao thông, úng ngập khi các dự án đi vào khai thác sử dụng.
Về quản lý sử dụng đất đai: Việc quản lý thực hiện quy hoạch do công tác quản lý thực hiện quy hoạch của UBND thành phố và các sở, ngành liên quan chưa chặt chẽ, chưa chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật như việc lựa chọn chủ đầu tư, địa điểm dự án được chỉ định thầu, ban hành cơ chế lựa chọn chủ đầu tư chưa phù hợp với quy định; giải quyết hồ sơ thủ tục về đất đai chậm...; công tác kiểm tra, xử lý vi phạm quy hoạch vẫn chưa thường xuyên, dứt điểm, tình trạng vi phạm quy hoạch diễn ra phổ biến, khó xử lý tại các dự án được thanh tra, thậm chí có dự án chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư đã thi công xây dựng (dự án đô thị Gamuda, quận Hoàng Mai).
Đối với việc thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, UBND thành phố cũng chưa ban hành quy trình hướng dẫn chính thức bằng văn bản để làm căn cứ xác định tiền sử dụng đất; việc tính tiền sử dụng đất không đúng quy định tại Thông tư của Bộ Tài chính; quyết định cho chủ đầu tư là Tập đoàn HUD được thu tiền hạ tầng đối với các công trình hạ tầng xã hội tại Dự án khu đô thị mới Việt Hưng sai quy định, đầu tư xây dựng sai quy hoạch được duyệt.
Qua thanh tra đã phát hiện sai phạm 5.345,354 tỷ đồng, 204.785 m2 đất và 5.718,5 m2 sàn xây dựng. Trong đó, liên ngành (các Sở Tài chính, Tài nguyên & Môi trường, Xây dựng...) và UBND thành phố Hà Nội đã tính toán và phê duyệt tiền sử dụng đất, quyết định tạm thu, tạm nộp không đúng các quy định tại các Nghị định số 198, 84 của Chính phủ, Thông tư 117 của Bộ Tài chính tại 4 dự án được kiểm tra (thuộc Hà Tây) với số tiền hơn 2.893 tỷ đồng (gồm các dự án: Khu du lịch An Khánh của Tập đoàn Đầu tư xây dựng và Du lịch Bảo Sơn; khu đô thị mới Nam An Khánh của Công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà; khu đô thị mới tại lô đất N1+N3 của Công ty cổ phần đầu tư C.E.O; khu đô thị mới Dương Nội của Công ty thương mại và du lịch Nam Cường). Một số dự án tại các xã (thuộc địa bàn Hòa Bình) được UBND tỉnh phê duyệt tiền sử dụng đất trị giá hơn 2.500 tỷ đồng nhưng đến thời điểm thanh tra hầu hết các chủ đầu tư chưa nộp và chưa được các sở, ngành bàn giao hồ sơ về Hà Nội. Tiền sử dụng đất tồn đọng phải thu hồi (tính đến thời điểm thanh tra) là 2.234,166 tỷ đồng. Chủ đầu tư nộp tiền sử dụng đất không đúng thời gian phải xử phạt chậm nộp theo quy định trị giá 1.880,491 tỷ đồng.
TTCP đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội thu hồi về ngân sách nhà nước tiền sử dụng đất còn tồn đọng: 2.234,166 tỷ đồng; phạt chậm nộp tiền sử dụng đất: 1.880,491 tỷ đồng. Các khoản do thực hiện kê khai, tính toán, phê duyệt tiền sử dụng đất cho phép thu tiền hạ tầng không đúng quy định với tổng số tiền 5.345,354 tỷ đồng; chỉ đạo xem xét, xác định thu tiền sử dụng đất đối với các dự án có vi phạm về việc xây dựng sai quy hoạch, vi phạm quy định về quản lý sử dụng đất gồm 204.785 m2 đất và 5.718,5 m2 sàn xây dựng.
TTCP cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội, thực hiện khắc phục, xử lý trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật đối với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, các cơ quan, đơn vị và cá nhân thuộc thẩm quyền có liên quan đến các khuyết điểm và vi phạm. Đối với các doanh nghiệp, chủ đầu tư các dự án thực hiện nghiêm các kiến nghị xử lý về kinh tế, đồng thời xử lý trách nhiệm đối với đơn vị, cá nhân thuộc thẩm quyền liên quan đến khuyết điểm vi phạm.
Tại văn bản số 8732/VPCP-KNKN, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có công văn đồng ý với nội dung và kiến nghị của TTCP. Theo đó, UBND thành phố Hà Nội có trách nhiệm chỉ đạo, thực hiện khắc phục và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Riêng việc xử lý kinh tế (tiền sử dụng đất còn tồn đọng; tiền phạt chậm nộp tiền sử dụng đất; các khoản do thực hiện kê khai, tính toán, phê duyệt tiền sử dụng đất, cho phép thu tiền hạ tầng không đúng quy định), giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND thành phố Hà Nội kiểm tra, rà soát tính toán cụ thể đảm bảo đúng quy định của pháp luật, có biện pháp thu hồi triệt để; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong quý I/2013.
TTN