Mục đích của việc làm này là sau khi đã chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người vi phạm vẫn có thể sử dụng giấy phép lái xe để điều khiển phương tiện.
Trung tá Vũ Anh Điệp, Phó trưởng Phòng Tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát Giao thông cho biết, đối với những trường hợp khai báo gian dối hoặc sử dụng các loại giấy tờ giả, lực lượng chức năng sẽ dùng các biện pháp nghiệp vụ để xác minh làm rõ. Cục Cảnh sát Giao thông và Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cũng như lực lượng Cảnh sát Giao thông và ngành Giao thông các tỉnh, thành phố đã có sự chia sẻ dữ liệu về giấy phép lái xe để thống nhất việc quản lý và xử lý vi phạm.
Theo quy định tại điểm g, khoản 3, Điều 37, Nghị định 100/2019/NĐ-CP cá nhân khai báo không đúng sự thật hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được học, kiểm tra, sát hạch mới, cấp lại giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng. Ngoài ra, theo khoản 14, điều 33, Thông tư 12/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định, người tẩy xóa, làm sai lệch các thông tin trên giấy phép lái xe; sử dụng giấy phép lái xe đã khai báo mất để điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; có hành vi gian dối khác để được đổi, cấp lại, cấp mới giấy phép lái xe, ngoài việc bị cơ quan quản lý giấy phép lái xe ra quyết định thu hồi giấy phép lái xe, hồ sơ gốc và cập nhật dữ liệu quản lý trên hệ thống giấy phép lái xe còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và không được cấp giấy phép lái xe trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày phát hiện vi phạm. Nếu có nhu cầu cấp lại giấy phép lái xe phải học và sát hạch như trường hợp cấp giấy phép lái xe lần đầu.
“Như vậy, việc khai báo không đúng ngoài bị phạt tiền về hành vi không có giấy phép lái xe, người vi phạm còn có thể bị phạt tiền về hành vi khai báo không đúng sự thật theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, đồng thời sẽ bị áp dụng thực hiện theo quy định tại Thông tư 12/2017/TT-BGTVT”, Trung tá Vũ Anh Điệp cho hay.