Theo đó, UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo Công an thành phố Đà Nẵng nắm chắc tình hình hoạt động của các đối tượng cho vay nặng lãi trên địa bàn thành phố, lên danh sách quản lý chặt chẽ các đối tượng, xử lý nghiêm các hành vi cho vay nặng lãi và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi, không để số đối tượng ngoại tỉnh đến thành phố hoạt động cho vay nặng lãi, không để xảy ra các vụ án liên quan đến cho vay nặng lãi gây bức xúc dư luận.
Viện Kiểm sát nhân dân thành phố, Tòa án nhân dân phối hợp Công an Đà Nẵng khẩn trương điều tra, truy tố, đưa ra xét xử lưu động một số vụ án cho vay nặng lãi và các vụ án liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi để tuyên truyền, răn đe, giáo dục chung.
UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng chỉ đạo các ngân hàng thành viên tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận các nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng, trong đó khuyến khích các tổ chức tín dụng cải cách thủ tục hành chính, nghiên cứu mở rộng các loại hình cho vay, mở rộng đối tượng cho vay. Bên cạnh đó, tuyên truyền các chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, nhất là các chính sách, thủ tục cho vay đối với các hộ nghèo, người lao động, người sản xuất nhỏ để nhân dân biết, vay vốn.
Ngoài ra, Sở Tư pháp phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng nghiên cứu tham mưu hoàn chỉnh hệ thống pháp luật liên quan đến tội phạm cho vay nặng lãi, chú ý các quy định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ, quy định về cách tính lãi suất cho vay lãi nặng. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đà Nẵng tham mưu cho lãnh đạo thành phố cũng như các ngành chức năng giải quyết các vấn đề an sinh xã hội như giáo dục dạy nghề, đảm bảo việc làm, nhà ở, cho người lao động vay vốn làm ăn, từ đó, tạo thu nhập ổn định cuộc sống nhân dân.
UBND các quận, huyện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho nhân dân về các vấn đề liên quan đến "tín dụng đen", giúp người dân hiểu được những hậu quả có thể xảy ra từ việc vay vốn từ các nguồn không chính thức, vay của các đối tượng cho vay nặng lãi. Đồng thời, vận động nhân dân tố giác tội phạm, phối hợp với lực lượng công an phát hiện, điều tra, xử lý các hành vi cho vay lãi nặng hoặc liên quan đến cho vay lãi nặng. Đồng thời, tuyên truyền các chính sách pháp luật, thủ tục cho vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng để nhân dân biết, giao dịch, nhất là các nguồn vốn ưu đãi dành cho người nghèo.
Cùng với đó, UBND các quận, huyện tổ chức thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội để giải quyết nhu cầu lao động, việc làm, vay vốn cho nhân dân, góp phần hạn chế người dân vay tiền từ đối tượng cho vay lãi nặng. UBND các quận, huyện chỉ đạo các tổ chức chính trị xã hội, tổ dân phố rà soát, lên danh sách hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, hộ sản xuất nhỏ... có nhu cầu về vốn để phối hợp với các ngân hàng chính sách, tổ chức tín dụng hướng dẫn thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi để họ được vay vốn; tránh tình trạng có các nguồn vốn, tín dụng dành cho các đối tượng chính sách nhưng nhân dân không biết để liên hệ làm thủ tục vay mà phải vay từ các nguồn không chính thức, vay của các đối tượng cho vay nặng lãi dẫn đến những hậu quả, hệ lụy xấu cho người vay và xã hội…