Khiếu kiện từ việc chuyển đổi trường dân lập sang tư thục

Từ khi chuyển đổi từ loại hình trường dân lập sang tư thục tại trường THPT thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ đã nảy sinh nhiều vướng mắc, mâu thuẫn, mất đoàn kết trong nội bộ nhà trường. Gần 4 năm chuyển đổi, những mâu thuẫn, vướng mắc trong trường vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, gây khiếu kiện kéo dài.

Trường THPT thị xã Phú Thọ (trước kia gọi là trường THPT dân lập thị xã Phú Thọ) được thành lập từ năm 1997. Năm đầu mới thành lập (1997-1998), trường chưa có cơ sở vật chất nên phải học nhờ tại Trung tâm hướng nghiệp thị xã Phú Thọ với 14 thầy cô và 114 học sinh. Nhờ chất lượng dạy và học ngày được nâng cao, số học sinh đến học tại trường ở những năm học tiếp theo ngày càng đông. Trong 12 năm (1997-2009), trường THPT dân lập thị xã Phú Thọ đã xây dựng được nhiều lớp học khang trang và nhiều trang thiết bị phục vụ dạy học.


Tháng 7/2009, tỉnh Phú Thọ đã quyết định chuyển đổi trường sang loại hình trường tư thục với tên gọi mới là trường THPT thị xã Phú Thọ. Toàn bộ tài sản từ trường dân lập chuyển sang cho trường tư thục được đánh giá có trị giá trên 1,7 tỷ đồng, chiếm 79% tổng số tài sản của nhà trường. Số tài sản này đã được Hội đồng sư phạm nhà trường họp thống nhất không bán cho một cá nhân nào, mà quy số tài sản của nhà trường tích luỹ trong quá trình 12 năm khi còn là trường dân lập thành cổ phần và chia số cổ phần đó cho giáo viên tính theo năm công tác tại trường.


Tuy nhiên, theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ thì không thể giải quyết theo cách phân chia cổ phần cho các giáo viên. Vì theo Thông tư số 53/2006/NĐ-CP thì trường hợp tài sản trường dân lập là được tích luỹ từ kết quả hoạt động thuộc sở hữu tập thể được chuyển giao cho cơ sở tư thục quản lý và sử dụng theo nguyên tắc bảo tồn, phát triển không chia cho cá nhân và được Nhà nước bảo hộ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên nhà trường cần có hình thức ghi nhận công lao đóng góp của các thầy trường dân lập.


Ông Lưu Quang Lược, giáo viên giảng dạy tại trường từ những ngày đầu mới thành lập cho biết: Các thầy cô giáo công tác lâu năm tại trường không đồng ý giao tài sản mình làm ra cho một nhóm người khác quản lý. Tài sản của trường dân lập đã được xác định là từ công lao của các các thầy tích luỹ hơn 12 năm, nên các thầy đề nghị được hưởng số cổ phần trường dân lập góp vào trường tư thục, và xin được chia số cổ phần đó cho các thầy đã từng công tác tại trường dân lập để làm cổ phần đóng góp vào nhà trường tư thục và trở thành cổ đông của trường, với mục đích là để xác định công lao của các thầy cô giáo đã có công xây dựng trường.


Cũng theo ông Lưu Quang Lược, sau chuyển đổi loại hình từ trường dân lập sang tư thục, nhà trường hoạt động dưới hình thức như một doanh nghiệp. Gần 4 năm, nhà trường đã huy động vốn đóng thêm được trên 460 triệu động, chiếm 21% tổng giá trị tài sản. Tuy nhiên, số cổ phần đóng góp thêm lại được hưởng lãi, còn 79% (1,7 tỷ đồng) tài sản do công sức của các thầy trường dân lập lại không được tính lãi. Việc tính toán của nhà trường không công bằng...


Trao đổi vấn đề này, bà Phạm Thị Phụng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình chuyển đổi từ trường dân lập sang trường tư thục. Cho đến nay, trường vẫn chưa nhận được hướng dẫn, quy định cụ thể nào của các bộ, ngành, cũng như của tỉnh cho việc chuyển đổi này. Nhà trường tự mò mẫm làm theo cách riêng của mình, nên đã gặp phải nhiều ý kiến phản đối của thầy cô có cống hiến lâu năm… Một số thầy giáo đã liên tục gửi đơn đến các cơ quan chức năng khiếu nại về việc phân chia tài sản của nhà trường.


Lâm Đào An

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN