Cùng bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại Điều 219 Bộ Luật Hình sự năm 2015, còn có: Phan Văn Duyệt (Phó Giám đốc Công ty Đông Phương), Phan Văn Bình Tâm (Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn tư vấn xây dựng Tâm Phú Tài - em trai Duyệt) và Nguyễn Thị Loan (nguyên Trưởng Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh).
Theo Cơ quan điều tra, Công ty Đông Phương nhận thầu thi công sửa chữa 7 trường học trên địa bàn huyện Củ Chi, gồm: Mầm non Củ Chi 2, Mầm non Tân Phú Trung 2, Mầm non Thái Mỹ, Mầm non Tân Thông Hội 2, Tiểu học Tân Phú, Tiểu học Tân Phú Trung và Tiểu học Lê Thị Pha. Việc sửa chữa, cải tạo theo kinh phí do Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện cấp, lãnh đạo của 7 trường căn cứ giá trị dự toán được duyệt để ký hợp đồng tư vấn thiết kế, lập dự toán.
Theo quy định, trong việc thẩm định phân bổ sung nguồn kinh phí sửa chữa, chủ đầu tư (các trường) phải lập dự toán, xác định tổng mức đầu tư của từng gói thầu, gửi Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện tổng hợp, phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện lập kế hoạch sửa chữa trình Thường trực UBND huyện phê duyệt. Tuy nhiên trên thực tế, các trường không lập dự toán mà đều do Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện lập trên cơ sở kết quả khảo sát, dự toán do Phan Văn Duyệt (Phó Giám đốc Công ty Đông Phương) lập với đơn giá cao hơn so với đơn giá xây dựng cơ bản.
Để “lách” quy định, các bị can đã chia dự án thành 64 gói thầu (mỗi gói thầu dưới 500 triệu đồng) để được chỉ định thầu mà không phải đấu thầu. Hành vi sai phạm của các bị can đã gây thiệt hại cho tài sản nhà nước hơn 17 tỷ đồng.
Vụ án đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố khởi tố vào tháng 8/2018 nhưng 1 năm sau thì tạm đình. Đến tháng 9/2020, vụ án được phục hồi điều tra.