Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vụ 191 học viên tại cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Sóc Trăng bỏ trốn được cho bắt nguồn từ việc một số học viên ở các phòng 01E, 03F, 04D của Khu lớn Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh nghi ngờ các học viên khác báo cáo với cán bộ quản lý học viên của cơ sở về việc đối tượng này sử dụng ma túy bên trong phòng, khoảng 10 giờ ngày 23/2 và 8 giờ ngày 24/2, các đối tượng trên đã đánh, gây thương tích cho 4 học viên.
Trước việc mâu thuẫn dẫn đến ẩu đả giữa các học viên, Cơ sở cai nghiện đã báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an thành phố Sóc Trăng để nhanh chóng phối hợp với đơn vị mời, làm việc với 45 học viên có liên quan. Quá trình làm việc, các học viên không hợp tác. Đến khoảng 16 giờ 30 phút ngày 24/2, một số học viên đã kích động các học viên khác chống đối lực lượng Công an. Lợi dụng tình trạng hỗn loạn, 191 học viên bỏ trốn khỏi Cơ sở cai nghiện. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn học viên bỏ trốn, có 3 cảnh sát cơ động bị thương.
Sau khi xảy ra vụ việc, lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, lực lượng Công an tỉnh đã có mặt tại hiện trường trực tiếp chỉ đạo Cơ sở cai nghiện khẩn trương phối hợp với các đơn vị, Công an thành phố Sóc Trăng, Công an các huyện, thị xã truy tìm các đối tượng và đề nghị gia đình có con em bỏ trốn vận động, đưa các học viên tự giác trở lại Cơ sở cai nghiện. Đến 11 giờ ngày 29/2, các lực lượng phối hợp đã truy tìm, vận động, đưa về Cơ sở được 140 học viên.
Vụ việc đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quan tâm, cử đoàn công tác về địa phương nắm tình hình và báo cáo với Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm ...
Trong báo cáo gửi Chính phủ, Đoàn công tác của Bộ cho rằng, bên cạnh nguyên nhân trực tiếp, chủ quan do quá trình sinh hoạt chung, một số học viên xảy ra mâu thuẫn, một số học viên quá khích, manh động, lôi kéo các học viên khác gây hỗn loạn, chống đối lực lượng bảo vệ cơ sở, bỏ trốn khỏi Cơ sở cai nghiện, còn có những nguyên nhân khách quan khác. Đó là việc quản lý, chữa trị, giáo dục, nắm bắt tâm lý của học viên tại Cơ sở cai nghiện của viên chức, người làm việc tại Cơ sở cai nghiện ma túy còn nhiều hạn chế. Học viên tham gia cai nghiện còn có tâm lý không hợp tác, phối hợp với cán bộ trong hoạt động cai nghiện tại Cơ sở một phần là do môi trường sống, sinh hoạt... tại Cơ sở cai nghiện chưa thực sự tốt (tường rào nhiều lớp thiếu thân thiện, môi trường sống chật chội...).
Đặc biệt, tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp, quá tải (bình quân 10-15 người/phòng 30m2), khó khăn trong quản lý đối tượng cai nghiện. Theo quy định, Cơ sở có thể tiếp nhận từ 250 - 300 học viên, trong khi thực tế đang quản lý 460 học viên, quá tải so với định mức quy định; các phân khu theo chức năng chưa bảo đảm tiêu chí, điều kiện tối thiểu. Trong khi đó, số lượng viên chức, người lao động làm việc tại Cơ sở cai nghiện chưa đáp ứng mức quy định tối thiểu so với quy định, không đủ sức quản lý số lượng học viên tại đây. Hiện cơ sở có 57 viên chức, người lao động, thiếu 24 người so với quy định.
Do tính chất đặc thù của công việc, viên chức, người lao động thường xuyên phải trực, làm việc nhiều thời gian hơn so với quy định, trong khi chính sách, chế độ thu hút người lao động vào làm việc tại Cơ sở cai nghiện còn hạn chế, dẫn đến căng thẳng cho viên chức, người lao động trong quản lý, chữa trị người tham gia cai nghiện ma túy tại cơ sở.
Các đối tượng nghiện ma túy vào cai nghiện phần lớn có trình độ hạn chế, gần 40% có tiền án, tiền sự, một số còn mắc các bệnh như nhiễm HIV, Lao, viêm gan A, B… không có tính hợp tác trong cai nghiện nên việc quản lý, giáo dục học viên gặp khó khăn… Nhiều học viên thường xuyên có hành vi chống đối viên chức, người lao động làm việc tại cơ sở.
Trước thực tế này, để ổn định tình hình và tư tưởng các học viên cai nghiện, trước mắt UBND tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo Công an tỉnh cử tổ công tác đặc trách, hỗ trợ bảo đảm an ninh trật tự tại Cơ sở cai nghiện. Đồng thời, tập trung rà soát tình hình cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, nhân sự phục vụ tại Cơ sở cai nghiện, báo cáo tỉnh có giải pháp nâng cấp cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu tối thiểu để thực hiện công tác cai nghiện ma túy.
Các cấp ngành tỉnh, đơn vị liên quan đang khẩn trương khắc phục hậu quả, khôi phục hoạt động của Cơ sở cai nghiện trở lại hoạt động bình thường theo quy định; ổn định tâm lý, tinh thần của viên chức, người lao động làm việc tại Cơ sở. Các cấp ngành tỉnh phối hợp với Cơ sở cai nghiện ma túy tổ chức tuyên truyền, tư vấn, giáo dục cho học viên đang cai nghiện ma túy nắm rõ nội quy, quy chế, các quy định của pháp luật về cai nghiện ma túy để học viên biết được quyền và trách nhiệm của bản thân, yên tâm, hợp tác trong quá trình cai nghiện…