Theo đó, một phần trách nhiệm thuộc về 3 chủ rừng là hộ gia đình A Trang (thôn Kon Pao Kơ La), A Thình (thôn Đăk Rơ Wang) và A Klao (thôn Đăk Rơ Wang) do chưa thường xuyên tuần tra, kiểm tra trên diện tích rừng quản lý, nên không kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm. Cùng với đó, Chốt bảo vệ rừng Đăk Rơ Wang không kịp thời tổ chức tuần tra, kiểm tra theo quy chế hoạt động của chốt (được Ủy ban nhân dân huyện ra quyết định thành lập) để xảy ra vi phạm Luật Lâm nghiệp khu vực chốt phụ trách nói chung và khai thác rừng trái pháp luật Tiểu khu 327 nói riêng.
Kiểm lâm địa bàn, Ủy ban nhân dân xã Đăk Pxi chịu trách nhiệm trong vụ việc vì chưa kịp thời nắm bắt, nhận định tình hình, giám sát việc thực hiện tuần tra, kiểm tra, phát hiện vi phạm của đơn vị chủ rừng là hộ gia đình và các lực lượng của xã.
Tập thể lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Hà coi đây là bài học kinh nghiệm sâu sắc trong quá trình lãnh đạo đơn vị thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, quyết tâm sửa chữa, khắc phục những khuyết điểm và tích cực tham mưu cho chính quyền địa phương, triển khai tốt các giải pháp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng thời gian tới.
Về cá nhân có liên quan, ông Nguyễn Hữu Bát, Phạm Anh Thy là Kiểm lâm địa bàn xã Đăk Pxi đã nghiêm túc kiểm điểm, phê bình, rút kinh nghiệm.
Liên quan đến vụ việc trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Kon Tum) đã khởi tố vụ án vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản quy định tại Điều 232, Bộ luật Hình sự. Để ngăn chặn tình trạng phá rừng tại Tiểu khu 327, Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Hà đề nghị Ủy ban nhân dân xã Đăk Pxi khẩn trương lập chốt bảo vệ rừng tại tiểu khu này, đây là khu vực dễ bị xâm hại tài nguyên rừng.
Như tin đã đưa, ngày 1/3, lực lượng chức năng (Công an tỉnh Kon Tum chủ trì, phối hợp với Kiểm lâm huyện Đăk Hà và chính quyền xã Đăk Pxi) phát hiện trong bãi chứa cát của điểm mỏ khai thác cát, sỏi 87 (thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn 87) trên sông Đăk Pxi, đoạn qua thôn 7, xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, có gỗ lậu.
Tại hiện trường, gỗ lậu được "lâm tặc" giấu kỹ. Chỉ những thanh gỗ dài, được nhận định là trục vớt dưới sông và các lóng gỗ tròn vừa khai thác là lộ thiên, còn lại các hộp gỗ lớn được giấu dưới “núi” cát lớn, chỉ lộ ra khi lực lượng chức năng yêu cầu cào cát. Kiểm tra hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện tại bãi tập kết này có 2 mặt phản, 4 hộp gỗ, 11 lóng gỗ tròn và 5 cây gỗ có dấu hiệu ngâm dưới nước lâu ngày. Ngoài ra, khi mở rộng khu vực tìm kiếm, phóng viên TTXVN phát hiện có 2 điểm tập kết gỗ lậu ở trong rừng cao su, đối diện bãi tập kết ban đầu.
Tại đây có 11 hộp gỗ lớn, nhỏ khác nhau, trong đó có những hộp gỗ đường kính 1 mét, dài khoảng 3,5 mét. Trong 2 điểm tập kết gỗ mới, có một điểm chứa 4 miếng gỗ hoàn toàn không có dấu hiệu cho thấy lực lượng chức năng đã thống kê, kiểm đếm. Đây là số gỗ "lâm tặc" đã cho tẩu tán ra ngoài khu vực mỏ cát 87 (nơi tập kết gỗ lậu) trước khi lực lượng chức năng vào kiểm tra.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định được hơn 37 mét khối gỗ được cất giấu tại 3 điểm tập kết tại bãi cát của Công ty Trách nhiệm hữu hạn 87.
Ngoài ra, tổ chức khám nghiệm hiện trường, mở rộng điều tra, cơ quan chức năng phát hiện 22 gốc cây bị cưa hạ ở Tiểu khu 327 xã Đăk Pxi. Số cây trên bị cưa hạ ở khu vực rừng sản xuất đã giao cho người dân quản lý.