Nổi lên là những hành vi lợi dụng dịch bệnh để tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ… gây ảnh hưởng không nhỏ tới công tác phòng, chống dịch của Thành phố.
Diễn biến phức tạp
Đầu tháng 10/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam 2 nhân viên y tế là Huỳnh Phương Thảo (sinh năm 1985; ngụ tại 78/25 Đình Nghi Xuân, phường Bình Trưng Đông, quận Bình Tân, nhân viên y tế Trung tâm Y tế quận Tân Phú) và Nguyễn Văn Thừa (sinh năm 1981, hộ khẩu thường trú tại 46/6 ấp 1 xã Xuân Thới Thôn, huyện Hóc Môn, nhân viên y tế Trung tâm Y tế quận Bình Tân) với cùng tội danh "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ”.
Theo Cơ quan điều tra, Thừa là nhân viên quản lý kho dược của Trung tâm Y tế quận Bình Tân, có nhiệm vụ tiếp nhận thuốc Molnupiravir 400mg từ Sở Y tế để phân phối cho 10 phường của quận. Ngày 13/9, Thừa nhận về 1.079 hộp thuốc Molnupiravir và bán cho Thảo (nhân viên Trung tâm Y tế quận Tân Phú) 50 hộp với giá 2 triệu đồng/hộp. Sau khi lấy thuốc từ Thừa, Thảo đã lên mạng xã hội bán với giá từ 2,5-4 triệu đồng/hộp. Các đối tượng mua thuốc từ Thảo tiếp tục bán cho người dân với giá 5,5-6 triệu đồng/hộp.
Cùng khoảng thời gian trên, Cơ quan điều tra Công an quận Bình Tân đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Phan Thanh Minh, Phó Trưởng khu phố 2, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân để điều tra về tội “Tham ô tài sản”. Bị can Minh có hành vi ăn chặn tiền từ các gói hỗ trợ của Chính phủ cấp phát cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trong khu phố.
Trước đó vào tháng 9/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Thủ Đức đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Huỳnh Hồng Sơn (sinh năm 1970, cán bộ phụ trách lao động, thương binh và xã hội phường Phú Hữu, thành phố Thủ Đức) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Bị can Huỳnh Hồng Sơn đã lợi dụng vị trí công tác là thành viên hội đồng thẩm định, xét duyệt hồ sơ hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 của phường Phú Hữu, thành phố Thủ Đức để cấu kết với một số cá nhân lập hồ sơ để nhận tiền hỗ trợ không đúng đối tượng.
Theo bà Lê Thị Mai, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân quận Bình Tân, quan trọng là phải nhận định chính xác mức độ, tính chất của các vụ án liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, từ đó có sự phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu giữa Viện Kiểm sát và Cơ quan điều tra. Những vụ án lợi dụng chức vụ để trục lợi trong công tác phòng dịch gây ảnh hưởng rất xấu tới dư luận xã hội. Viện Kiểm sát nhân dân quận đã chủ động báo cáo cấp trên, đồng thời phân công kiểm sát viên có kinh nghiệm phối hợp ngay với điều tra viên, qua đó đạt được hiệu quả tốt như trong vụ mua bán trái phép thuốc điều trị COVID-19 Molnupiravir 400mg.
Trung tá Trần Đức Lợi, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự, Công an quận Bình Tân cho biết, khắc phục những khó khăn do dịch bệnh, được sự chỉ đạo của lãnh đạo hai cơ quan, Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát quận đã duy trì trao đổi liên tục, thường xuyên, phối hợp chặt chẽ từ khâu xử lý ban đầu, khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ... Từ đó xử lý hiệu quả nhiều vụ án liên quan đến chống dịch thời gian qua.
Dự báo sát tình hình
Theo ông Đỗ Mạnh Bổng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù những hành vi phạm tội trên, giá trị tài sản bị tham ô, thất thoát không lớn nhưng tính chất và hậu quả gây ra trong thời điểm này rất nghiêm trọng. “Chính sách an sinh xã hội của Nhà nước cho người thuộc đối tượng khó khăn nhưng lại bị các đối tượng khác chiếm đoạt; chính sách phát thuốc điều trị, tiêm vaccine miễn phí nhưng cũng bị các đối tượng có quyền hạn lợi dụng trục lợi… Những hành vi này chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm” - ông Đỗ Mạnh Bổng khẳng định.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, trong thời gian tới, các chính sách hỗ trợ, các gói an sinh của Chính phủ, của UBND Thành phố tiếp tục được triển khai. Viện Kiểm sát đang phối hợp với Cơ quan điều tra nắm tình hình từ sớm, hạn chế thấp nhất việc xử lý hình sự nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi của người dân, đảm bảo chính sách được thực hiện đúng. Từ đó, góp phần vào công tác phòng, chống dịch bệnh, hồi phục kinh tế của chính quyền địa phương, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Nhấn mạnh sự quan trọng của công tác dự báo, ông Đỗ Mạnh Bổng đưa ví dụ, thời điểm tháng 5-6/2021, địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nổi lên hành vi “Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”. Hành vi này tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh rất nguy hiểm. Dự báo và nhận định chính xác tình hình, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố đã chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra, Tòa án để điều tra, truy tố, xét xử nghiêm loại tội phạm này để răn đe, phòng ngừa, nhờ vậy tới hiện nay không phát hiện hành vi phạm tội tương tự.
Tương tự, trong thời gian Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16/CT-TTg, thành phố nổi lên các hành vi phạm tội chống người thi hành công vụ. Viện Kiểm sát các cấp tiếp tục vào cuộc nhanh chóng, kịp thời xử lý những vụ việc điển hình để răn đe kịp thời và phòng ngừa tội phạm. Điển hình như vụ việc một gia đình trên địa bàn quận Bình Tân có hành vi chống đối, tấn công lực lượng chức năng khi bị lập biên bản vi bán hành rong trong thời gian Thành phố thực hiện Chỉ thị 16. Qua đánh giá hành vi, mức độ phạm tội, Viện Kiểm sát nhân dân quận Bình Tân đã phê chuẩn quyết định khởi tố 2 trong 4 người liên quan.
Đối với các vụ án liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19, Viện Kiểm sát luôn cố gắng phối hợp cùng Cơ quan điều tra, Tòa án xử lý vụ án theo thủ tục rút gọn. Từ đầu năm 2020 đến nay, Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp Thành phố Hồ Chí Minh đã thụ lý 30 tin báo tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch; đã khởi tố 6 vụ trong đó, còn lại đang trong quá trình xác minh, xử lý. Về phần án, Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp đã phối hợp với Cơ quan điều tra khởi tố hơn 30 vụ án hình sự, hiện đã có nhiều vụ được đưa ra xét xử.