Theo thông tin từ UBND tỉnh Lâm Đồng, trong 8 tháng năm 2021, cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã kiểm tra, phát hiện 340 vụ vi phạm. So với cùng kỳ năm 2020, số vụ vi phạm giảm 27%, diện tích rừng bị thiệt hại giảm 22%, khối lượng lâm sản bị thiệt hại giảm 15%. Qua rà soát, các huyện, thành phố trong tỉnh đã thống kê có 210,1 ha nhà kính, 17,34 ha nhà lưới của 649 hộ gia đình xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp. Trong số này, nhiều nhất là thành phố Đà Lạt với hơn 184,8 ha nhà kính, nhà lưới của 475 hộ đang sử dụng. Tiếp theo là huyện Lạc Dương với trên 21,4 ha của 106 hộ. Huyện Đơn Dương đứng thứ 3 với trên 16,2 ha của 44 hộ. Các huyện còn lại là Đam Rông, Di Linh, Đức Trọng, mỗi huyện có từ 0,6 - 3,3 ha.
Trước thực trạng này, ngày 25/8, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản số 6118/UBND-LN chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt công tác quản lý, bảo vệ rừng, sử dụng đất lâm nghiệp đúng quy định, xử lý dứt điểm tình trạng làm nhà kính, nhà lưới xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp.
Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và người đứng đầu đơn vị chủ rừng trên địa bàn thực hiện quyết liệt nội dung đã được UBND tỉnh chỉ đạo về công tác quản lý, bảo vệ rừng; xử lý tình trạng xây dựng công trình, làm nhà lưới, nhà kính trên đất lâm nghiệp; tập trung thực hiện công tác trồng rừng, trồng cây phân tán, trồng xen cây lâm nghiệp trên diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm.
Các huyện và 2 thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân; chỉ đạo lực lượng Công an xã, phường chủ động rà soát đối tượng cầm đầu băng, nhóm chuyên hoạt động vi phạm quy định về quản lý và bảo vệ rừng để có biện pháp giáo dục, xử lý; chủ động xử lý nghiêm người đứng đầu và tổ chức, cá nhân có liên quan nếu để xảy ra sai phạm với tính chất, mức độ phức tạp hoặc chậm phát hiện, xử lý vi phạm.
Các tổ công tác tập trung thực hiện quyết liệt việc xử lý, giải tỏa nhà lưới, nhà kính, công trình xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp đã được thống kê, rà soát trước đó và hoàn thành việc giải tỏa trước ngày 30/9, báo cáo kết quả thực hiện với UBND tỉnh trước ngày 15/10. Trường hợp không tự nguyện tháo dỡ thì các địa phương, đơn vị phải cương quyết xử lý, cưỡng chế, thu hồi đất để khôi phục rừng, sử dụng đất đúng mục đích.