Gán nợ bằng cổ phần vì mất khả năng chi trả
Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty cổ phần (CP) Bắc Trung Nam có trụ sở tại 321 Bà Triệu, phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa do bà Đỗ Thị Hồng là Giám đốc kiêm đại diện pháp luật. Bà Hồng sở hữu 2 thương hiệu: Taxi Bắc Trung Nam và Bệnh viện mắt Bắc Trung Nam.
Qua một thời gian hoạt động, do quản lý và điều hành kém hiệu quả đã khiến hoạt động kinh doanh của công ty này gặp khủng hoảng. Vì vậy, công ty đã phải vay vốn ngân hàng và các chủ nợ lên tới hàng chục tỷ đồng.
Biên bản thoả thuận chuyển đổi nợ thành cổ phần giữa bà Mai Thị Dần và bà Đỗ Thị Hồng. |
Theo đơn tố cáo của các chủ nợ gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá ngày 23/2/2017, tổng số tiền vay ban đầu của Công ty CP Bắc Trung Nam là 56,7 tỷ đồng, đến 31/3/2016 đã trả được 17,6 tỷ đồng, còn lại dư nợ gốc 39,1 tỷ đồng; tiền lãi chưa trả được là 19,9 tỷ đồng. Như vậy, tổng số nợ phải trả là 59 tỷ đồng.
Để có thể trả số nợ trên, bà Hồng đã lên kế hoạch gán nợ bằng chính cổ phần của công ty do mình sở hữu. Chia sẻ với phóng viên, bà Mai Thị Dần, một trong những chủ nợ lớn nhất của bà Hồng cho biết, do được bà Hồng thuyết phục rằng, thực tế Công ty CP Bắc Trung Nam không còn khả năng trả nợ (do hầu hết tài sản của công ty do Công ty mua bán nợ Việt Nam nắm giữ và một phần tài sản đang thế chấp ngân hàng) nên để giữ lại 2 thương hiệu Taxi Bắc Trung Nam và Bệnh viện mắt Bắc Trung Nam, bà Hồng sẽ thành lập 2 công ty mới.
Theo đó, Công ty CP Đầu tư Y tế Ánh Dương sẽ sở hữu thương hiệu Bệnh viện mắt Bắc Trung Nam và Công ty CP Taxi Bắc Trung Nam Thanh Hoá sẽ sở hữu thương hiệu Taxi Bắc Trung Nam.
Bà Hồng cũng đề xuất với các chủ nợ cấu trúc lại các khoản nợ cá nhân để chuyển đổi thành vốn cổ phần của 2 công ty trên. “Với tâm lý nếu có cố đòi cũng không lấy được tiền, đồng thời cũng mong muốn giúp đỡ bà Đỗ Thị Hồng do quen biết lâu năm, cộng với kinh nghiệm trong lĩnh vực tái cấu trúc doanh nghiệp, tôi đã đồng ý với phương án mà Hồng đưa ra và trở thành cổ đông “bất đắc dĩ” của 2 công ty này”, bà Mai Thị Dần cho biết.
Ngay sau đó, việc ký kết các biên bản xác nhận chuyển nhượng giữa các chủ nợ và bà Hồng đã được thực hiện. Theo đó, bà Hồng cam kết chịu trách nhiệm thực hiện các thủ tục chuyển đổi khoản nợ thành cổ phần theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, bà Hồng cũng cam kết thực hiện thủ tục chuyển đổi giấy phép kinh doanh sang tên các cổ đông mới cũng như thay đổi đại diện pháp luật mới.
Hiện nay, Công ty CP Đầu tư Y Tế Ánh Dương và Công ty cổ phần Taxi Bắc Trung Nam Thanh Hóa lần lượt do bà Vũ Thị Tuyết và bà Mai Thị Dần - Đại diện theo pháp luật làm Giám đốc. Đây là 2 Giám đốc được hội đồng quản trị mới, sau tái cơ cấu bầu ra và ghi nhận trong Giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh của cả 2 công ty trong lần điều chỉnh lần 3 ngày 4/7/2016.
Gây rối cản trở hoạt động của doanh nghiệp
Từ khi chuyển sang mô hình mới đến nay, hội đồng quản trị 2 công ty đã thực hiện tốt chức năng điều hành. Ông Trịnh Ngọc Ngân, chủ nợ lớn nhất của bà Đỗ Thị Hồng, hiện là Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Đầu tư y tế Ánh Dương cho biết, với hy vọng công ty mới thành lập sẽ hoạt động hiệu quả để thu hồi số nợ ban đầu, ông Ngân đã đầu tư thêm 700 triệu đồng để trả nợ lương cho cán bộ nhân viên yên tâm làm việc. Hiện nay, cả 2 công ty đã vượt qua khó khăn, doanh thu tăng trưởng đều.
Cụ thể, Công ty CP Đầu tư y tế Ánh Dương đã đảm bảo công ăn việc làm cho gần 100 bác sỹ và cán bộ nhân viên, tiến hành mổ điều trị mắt cho hơn 4.500 bệnh nhân. Bên cạnh đó, Công ty CP Taxi Bắc Trung Nam cũng tạo việc làm cho hơn 500 lái xe taxi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Danh sách cổ đông nhận giấy chứng nhận sở hữu cổ phần. |
Tuy nhiên, kể từ khi Công ty CP Đầu tư Y tế Ánh Dương và Công ty CP Taxi Bắc Trung Nam có chiều hướng kinh doanh thuận lợi, bắt đầu có các nguồn thu, bà Hồng đã có các hành vi gây rối, cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của 2 công ty này.
Theo đơn tố cáo của Công ty CP Đầu tư Y tế Ánh Dương và Công ty CP Taxi Bắc Trung Nam, bà Hồng đã tổ chức một nhóm người kéo đến công ty khi đang tổ chức họp, tuyên bố lấy lại quyền điều hành công ty và yêu cầu Giám đốc công ty rời khỏi vị trí Giám đốc, đồng thời chiếm đoạt con dấu.
Sự việc khiến ngày 19/1/2017, hội đồng quản trị công ty phải gửi công văn khẩn cấp tới Công an TP Thanh Hóa nhờ xử lý. Hiện hồ sơ liên quan đến vụ việc này đã được lưu tại Đội cảnh sát điều tra tổng hợp, Công an TP Thanh Hóa.
Cùng với đó, bà Hồng lôi kéo theo gần 10 người đến công ty, vào thẳng phòng kế toán để uy hiếp cán bộ nhân viên đang làm việc tại đây. Bà Đỗ Thị Hồng đã chỉ đạo người đi cùng dán lại camera an ninh, phá khóa tủ đựng tài liệu chứng từ của kế toán trưởng và lấy đi toàn bộ tài liệu chứng từ có giá của công ty, gây áp lực với nhân viên giữ dấu để lấy con dấu của công ty.
Ngày 22/2/2017, hội đồng quản trị công ty đã thông báo cho Công an phường Trường Thi, TP Thanh Hóa đến chứng kiến và xử lý vụ việc.
Đặc biệt, bà Hồng đã làm đơn đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hoá thu hồi giấy đăng ký kinh doanh với lý do: hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh khi chuyển đổi chủ nợ thành cổ đông có sự giả mạo chữ ký, mặc dù thủ tục này do chính bà Hồng trực tiếp thực hiện.
Các cổ đông đều cho rằng, do là bạn bè thân thiết, muốn giúp đỡ bà Hồng vượt qua khó khăn nên họ đã đồng ý với phương án bà Hồng đưa ra. Thế nhưng, bà Hồng đã bất chấp tình cảm và lợi dụng niềm tin để lừa đảo nhiều lần buộc họ phải viết đơn tố cáo và đề nghị sự can thiệp của pháp luật.
Với hàng loạt hành vi trên của bà Hồng, các cổ đông cho rằng bà Hồng có dấu hiệu phạm tội “Lạm dụng chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điều 140 Bộ luật hình sự và đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hoá sớm vào cuộc để điều tra, làm rõ nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các chủ nợ và cổ đông công ty.