Các địa phương trong tỉnh đã xử phạt vi phạm hành chính 980 trường hợp với tổng số tiền phạt trên 10 tỉ đồng. Trong đó, xử phạt vi phạm trên lĩnh vực đất đai 540 trường hợp với tổng số tiền hơn 5,1 tỉ đồng và xử phạt trên lĩnh vực xây dựng 440 trường hợp với tổng số tiền trên 4,9 tỉ đồng. Vi phạm chủ yếu tập trung ở huyện Cần Giuộc với 356 trường hợp, huyện Đức Hòa 292 trường hợp, huyện Cần Đước 161 trường hợp… Trong tổng số những vi phạm nêu trên có 527 trường hợp đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả thông qua các hình thức như thực hiện hợp thức hóa thủ tục về đất đai và xây dựng, tự nguyện khôi phục hoặc bị cưỡng chế trả lại hiện trạng ban đầu.
Theo Sở Tài nguyên và môi trường Long An, để xảy ra những vi phạm nêu trên là do các phòng chuyên môn của huyện và UBND cấp xã chưa quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về đất đai và xây dựng; hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Chính quyền địa phương chưa kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm, khi phát hiện thì xử lý chưa nghiêm, thiếu cương quyết trong việc tổ chức cưỡng chế thi hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính; còn xảy ra tình trạng “phạt để tồn tại” nên sai phạm tiếp tục tiếp diễn.
Sở Tài nguyên và Môi trường Long An kiến nghị UBND tỉnh Long An chỉ đạo UBND các địa phương thành lập đoàn thanh tra để tiếp tục xử lý sai phạm, trong trường hợp cần thiết phải cương quyết tổ chức cưỡng chế thi hành. Đề nghị trưởng phòng chuyên môn, Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm trực tiếp với Chủ tịch UBND cấp huyện và Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm với Chủ tịch UBND tỉnh nếu còn để xảy ra trường hợp sai phạm về đất đai, xây dựng trên địa bàn và lĩnh vực mình quản lý.
Bên cạnh đó, ngành chức năng cần tiếp tục tuyên truyền quán triệt tư tưởng của cán bộ, công chức, nhất là những người đứng đầu trong việc ngăn chặn và xử lý triệt để vi phạm về đất đai, xây dựng; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức đối với cán bộ, công chức, đảm bảo thực thi công vụ đúng quy định của pháp luật. Các phòng ban chuyên môn và UBND cấp xã cần tăng cường phối hợp, chấn chỉnh công tác giải quyết hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân đảm bảo đúng trình tự và thẩm quyền theo quy định của pháp luật…
Trước đó, UBND tỉnh Long An đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND về việc tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý vi phạm về chuyển mục đích sử dụng đất và xây dựng trái phép trên địa bàn tỉnh Long An. Trên cơ sở đó, các ngành chức năng phối hợp với các địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát, phát hiện trên toàn tỉnh có gần 6.800 trường hợp vi phạm; trong đó có gần 1.000 trường hợp vi phạm là các tổ chức; số còn lại chủ yếu là các hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà ở riêng lẻ nhưng chưa lập thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất. Các địa phương trong tỉnh đã xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực đất đai và xây dựng hơn 1.400 trường hợp với tổng số tiền trên 13,8 tỉ đồng. Có gần 2.600 trường hợp đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.