Đây là thông tin được Công ty văn hóa sáng tạo Trí Việt (First News) công bố ngày 18/6.
Theo ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc First News, sách giả được tiêu thụ nhiều là do khách hàng luôn chọn sản phẩm giảm giá nhiều nhất khi truy cập vào sàn thương mại điện tử. Trung bình, 1.000 đầu sách của First News phải "đương đầu" với 3.000 đầu sách in lậu của chính mình; thiệt hại không chỉ đến doanh nghiệp, còn ảnh hưởng đến các đối tác, tác giả sách, quyền thương hiệu.
Ông Nguyễn Văn Phước cho rằng: Vấn nạn in và sản xuất sách giả trong những năm gần đây không dừng lại, có xu hướng ngày càng tăng. Ở một góc độ nào đó, sách giả gần như công khai, ngang nhiên lộng hành, nhất là tại thành phố Hà Nội. Gần đây, sách giả còn được in lậu, tiêu thụ công khai, trực tiếp trên các trang mạng, sàn thương mại điện tử với số lượng không kiểm soát được. Đặc biệt, sách giả hiện nay đã đạt tới trình độ gần như sách thật, bạn đọc sẽ rất khó phát hiện khi đặt mua từ các sàn thương mại điện tử hay tại các nhà sách, chỉ có những người nghề in, xuất bản lâu năm mới phát hiện được.
Tương tự, bà Phạm Thị Hóa, Phó Giám đốc Công ty cổ phần phát hành sách TP Hồ Chí Minh (Fahasa) cho biết, vấn nạn sách giả ngày càng quy mô, tinh vi hơn. Nếu trước đây sách giả chỉ bày bán ở một số cửa hàng cố định, có thể cảnh báo độc giả không mua nhưng hiện nay, sách giả được bán rất nhiều trên các trang thương mại điện tử, kể cả trang có thương hiệu, khiến độc giả mua nhầm, gây ra thiệt hại nhiều cho nhà xuất bản, tác giả và cả bạn đọc.
Tham gia sự kiện này, nhiều bạn đọc cho rằng, việc mua sách giảm giá là vấn đề ngẫu nhiên, tuy nhiên, khó khăn nhất là cách phân biệt đâu là sách giả, đâu là sách thật, vì tất hầu hết sách giả đều nháy tem, logo, tên nhà xuất bản. Nhiều bạn đọc chia sẻ, việc mua nhầm sách giả cảm thấy bản thân bị xúc phạm và việc đọc hay giữ gìn quyển sách đó không còn được trân trọng nữa.
Theo MC Tùng Leo - một độc giả và cũng thường xuyên viết sách, để khắc phục tình trạng này, bạn đọc cần cẩn trọng để chọn mua đúng sách, đúng nơi; từ chối với sách giả và cùng chung tay đấu tranh với nạn in lậu, sách giả.
Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho rằng, hành vi in sách lậu và buôn bán sách giả là vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng, tác động xấu đến xã hội, cần được xử lý nghiêm minh. Để đấu tranh chống lại vấn nạn sách giả hiện nay, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà xuất bản, đơn vị làm sách, cơ quan quản lý, luật sư, các đơn vị chức năng; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, ngăn chặn kịp thời nạn in sách lậu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, nhà sách, trang thương mại điện tử cần thể hiện uy tín, bày bán các sản phẩm sách có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; bạn đọc cần nói "không" và cùng tẩy chay sách giả.
Theo Luật sư Châu Huy Quang, luật pháp về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và Bộ Luật hình sự (năm 2015) đã có các quy định đầy đủ để xử lý các trường hợp trên. Tuy nhiên, vấn đề thực thi qua nhiều năm còn nhiều hạn chế, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan.
Việt Nam đã, đang tham gia nhiều hiệp định đối tác với nhiều quốc gia trên thế giới, trong các hiệp định đó luôn có chương quan trọng là bảo hộ quyền tác giả, thực thi vấn đề sở hữu trí tuệ. Vì vậy, cần thiết có sự chung tay của các cấp ngành, các tổ chức, đơn vị liên quan loại bỏ tình trạng sách in lậu, sách giả để các tác giả, đối tác trong và ngoài nước sẵn sàng chia sẻ, hợp tác trong lĩnh vực xuất bản, nhất là sách hay, sách phục vụ cho nghiên cứu.