Mất Tết vì "bão quét" tín dụng đen

Năm hết Tết đến nhưng hàng trăm hộ dân thị trấn Yên Mỹ vẫn đứng ngồi không yên vì vừa trải qua một cơn "bão quét" tín dụng đen. Suốt mấy tháng nay, nhiều người như gặp ác mộng vì có tới hàng chục "đại gia" công bố vỡ nợ số tiền lên tới hơn 500 tỉ đồng. Kéo theo hàng trăm gia đình lâm vào cảnh "tiền mất nợ mang" trở thành con nợ với số tiền khổng lồ. Đây là vụ vỡ nợ lớn nhất từ trước tới nay trên địa bàn Hưng Yên.

Các vụ vỡ nợ lớn ở Hưng Yên đã làm cho người dân điêu đứng. Ảnh: Internet



Tiền tỉ cuốn theo bão quét

Theo dư luận thị trấn Yên Mỹ, trên địa bàn có tới vài chục vụ vỡ nợ "qui mô" từ 20 tỉ đồng trở lên. Riêng thôn Trai Trang có cả chục "đại gia" công bố vỡ nợ với tổng số tiền lên đến 400 tỉ đồng. Trong đó, con nợ lớn nhất là vợ chồng Tạ Thuý Mai và Nguyễn Đình Bốn công bố vỡ nợ 200 tỉ đồng rồi bỏ trốn.

Với "mác" là chủ cửa hàng kinh doanh, có nhiều nhà đất ở Sài Gòn, vợ chồng Mai Bốn đã thành lập nhiều đường dây trung gian gom tiền của người dân với mức lãi suất từ 2% đến 4%/tháng. Thủ đoạn này đã đánh vào lòng tham của nhiều người, vì tin tưởng và ham lãi suất cao, nhiều người đã không ngần ngại cắm sổ đỏ vay ngân hàng lấy tiền cho Mai Bốn vay lại để kiếm chênh lệch. Người này vay của người kia rồi cho vay lại với lãi suất cao hơn, cứ thế tạo thành đường dây "tín dụng đen" đa cấp. Dân Trai Trang kháo nhau: Có khoảng 20 hộ trực tiếp đi gom tiền cho vợ chồng Mai Bốn vay với hình thức đơn giản: Chỉ cần 2 bên tự thoả thuận với nhau bằng miệng hoặc văn bản viết tay đơn giản. Đáng chú ý, những con nợ đều gom tiền của người thân bạn bè, họ hàng nên khi một người vỡ nợ thì cả họ mất tiền theo. Như chị Nguyễn Thị Hường vừa là chủ nợ, lại vừa là con nợ, đã gom hàng chục tỉ đồng của bà con hai bên họ hàng, chòm xóm rồi hùn cho vợ chồng Mai Bốn. Khi sự việc vỡ lở, chị Hường bị sốc phải đi cấp cứu, con cái cũng phải gửi nhà người quen.

Điều làm cho bà con hoang mang là lợi dụng vụ vỡ nợ của Mai Bốn, hàng chục con nợ khác không dính líu cũng công bố vỡ nợ với số tiền cũng khoảng 200 tỉ đồng. Nhiều người bức xúc cho rằng những con nợ ở thị trấn Yên Mỹ chưa chắc đã vỡ nợ, mà đây chỉ là thủ đoạn lừa đảo để "xù nợ". Bởi khi hay tin vỡ nợ, nhiều chủ nợ vội vàng tìm cách siết nợ nhằm gỡ gạc "được đồng nào hay đồng ấy". Có người chỉ mong con nợ trả gốc mà không lấy lãi, thậm chí chỉ cần đòi 50% số tiền đã cho vay cũng được coi là may mắn. Có trường hợp cho vay 7 tỉ nhưng con nợ gán ngôi nhà chưa đến 3 tỉ để xoá nợ cũng vẫn được chủ nợ chấp nhận.

Chỉ trong khoảng hơn nửa năm trở lại đây, trên địa bàn huyện Yên Mỹ đã xảy ra hàng loạt vụ vỡ nợ. Theo bà con, trong số những con nợ có nhiều người là giáo viên như cô giáo Nguyễn Thị Thanh (trường THPT Yên Mỹ); cô Nguyễn Thị Thuý (trường THCS thị trấn Yên Mỹ); cô Lương Bích Thỏa (trường Tiểu học xã Minh Châu); cô Nguyễn Thị Hương (trường Tiểu học Yên Mỹ 2); thày Lê Thế Vụ (trường THCS Đoàn Thị Điểm)... mỗi người ôm nợ hàng chục tỉ đồng và khó có khả năng chi trả.
 
Bỗng dưng thành ... "bác thằng Bần"

Thôn Trai Trang (thị trấn Yên Mỹ) vốn là nơi buôn bán sầm uất nhất tỉnh Hưng Yên và nổi tiếng ở miền Bắc trong thời kinh tế thị trường mở cửa. Những ngày áp Tết như mọi năm, nơi đây lúc nào cũng nhộn nhịp, nhưng năm nay đã bị bao trùm bầu không khí u buồn như đưa đám. Dân trong làng cho biết, năm nay nhiều nhà mất Tết, vì có tới nửa làng "dính" vào tín dụng đen nếm mùi cay đắng "tiền tỉ đội nón ra đi". Khắp ngoài phố trong ngõ, chỗ nào cũng có những gương mặt thất thần, ủ rũ, đứng ngồi không yên, chẳng buồn ngó ngàng tới việc kinh doanh hàng họ, càng làm cho phố Yên Mỹ trở nên "chán chỗ buôn, buồn chỗ bán", không khí Tết thêm buồn tẻ. Nhiều gia đình vốn giàu có, phát đạt nay khuynh gia bại sản mất hàng chục tỉ đồng, đứng trước nguy cơ thành "bác thằng Bần".

Bà Nguyễn Thị Thuộc, một hộ làm ăn nhỏ cho biết, bà thế chấp sổ đỏ vay lãi ngân hàng 700 triệu đồng để làm nghề say sát gạo, chỉ vì tin tưởng người cùng thôn nên cho nhà chị Hường vay nhưng chị Hường lại cho vợ chồng Mai Bốn vay lại. Giờ bà như ngồi trên đống lửa. Cùng tâm trạng này là chị Đỗ Thị Thuyết do cần tiền làm ăn nên đã vay của ngân hàng với số tiền lớn không dùng hết đã cho đối tượng trung gian vay, giờ cũng nóng lòng, sốt ruột bỏ hết không buôn bán, làm ăn gì được.

Nhiều bà con Trai Trang cho hay, cả làng có hàng trăm gia đình đang đứng trước nguy cơ trắng tay, sắp tới sẽ bị ngân hàng đến niêm phong nhà, cửa. Nhà nào nhiều thì mất hàng chục tỉ, nhà ít cũng vài ba chục đến vài ba trăm triệu. Thậm chí từ những người buôn bán rau ngoài chợ đến những người quét rác dọn vệ sinh cả đời thắt lưng buộc bụng, hay những cụ già chắt chiu từng đồng tiền lương hưu, tiền tiết kiệm để dưỡng già... nhưng khi có người hỏi vay cũng trao tay. Hàng trăm gia đình khóc dở mếu dở vì bao nhiêu tiền của mồ hôi nước mắt cả đời gom góp đã bị "tín dụng đa cấp" cuỗm sạch. Dù "của đau con xót" nhưng ai cũng đành "ngậm bồ hòn làm ngọt" nói ra sợ bị đàm tiếu, chê cười; chỉ còn biết đến trình báo, trông chờ vào cơ quan công an với chút hy vọng mong manh. Nhiều con nợ đã hứa sẽ thu xếp trả tiền cho bà con, nhưng biết chờ đến bao giờ ?

Trai Trang vốn là làng nghề kinh doanh xay sát gạo qui mô lớn. Chỉ trong một thời gian ngắn bị "bão quét" các cơ sở làm gạo ngừng sản xuất, bị "đóng băng" do không có vốn để mua hàng quay vòng. Ông Nguyễn Duy Len, Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu nông sản Xuyên Việt than vãn: Trước kia mỗi ngày công ty nhập 50-70 tấn gạo của các cơ sở xay xát gạo, nhưng nay mỗi ngày chỉ được 5 -7 tấn. Nguồn hàng mua đã khó, lại bị ngân hàng đóng băng không cho vay vốn nên doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn.

Các dịch vụ khác cũng thêm phần đình trệ. Từ quán ăn sáng đến các quầy hàng thực phẩm đều ế ẩm, lượng người mua giảm hơn 50%. Các cửa hàng bán đồ Tết, quần áo, hiệu gội đầu, quán cà phê... đều vắng khách. Chưa kể tình trạng mất an ninh trật tự và một loạt những hậu quả khác do tình trạng siết nợ, đòi nợ thuê vẫn rình rập...
Trước đây, tháng "củ mật" là thời gian bà con Trai Trang làm ăn sôi động, phát đạt nhưng năm nay không khí khá ảm đạm, đìu hiu. Tết đã cận kề, nhưng nhiều người không muốn ra khỏi nhà vì một nỗi niềm tiếc nuối quá muộn: Vì hám lãi cao mà trắng tay "mất cả chì lẫn chài"!

TTXVN/Tin tức

Tiệm vàng Khánh Hưng vỡ nợ hàng chục tỷ đồng

Nghe tin tiệm vàng Khánh Hưng (số 467 Lê Văn Sỹ, phường 12, Q3, TP HCM) bị vỡ nợ, nhiều chủ nợ kéo đến để rõ thực hư thì thấy cửa tiệm đã đóng im ỉm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN