Theo đơn thư của các hộ dân ở thôn Tân Bảo, xã Bản Qua, huyện Bát Xát (Lào Cai) gửi tòa soạn báo Tin Tức, từ năm 2006 họ bị thu hồi đất nông nghiệp, nhưng vẫn chưa được nhận tiền hỗ trợ.
Chính vì vậy, người dân phải lấy lại đất để sản xuất và yêu cầu chính quyền phải chi trả đền bù theo quy định mới giao đất. Phóng viên báo Tin Tức đã đến cơ sở, tìm hiểu các bên liên quan, nhằm làm rõ những phản ánh của người dân.
Bùng nhùng chuyện chi trả
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ năm 2005, UBND tỉnh Lào Cai đã ra Quyết định (QĐ) số 3076 phê duyệt dự án đầu tư nghiên cứu, sản xuất giống lúa lai tỉnh Lào Cai giai đoạn 2006 - 2010, trong đó có dự án Trại thực nghiệm và sản xuất giống lúa Bát Xát. Thực hiện QĐ của tỉnh, năm 2006, UBND huyện Bát Xát ban hành các QĐ thu hồi đất của các hộ nằm trong dự án và chỉ đạo Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng (ĐBGPMB), UBND xã Bản Qua, chủ đầu tư công trình là Trung tâm giống nông lâm nghiệp (NLN) Lào Cai tiến hành các thủ tục kê khai, áp giá đền bù và thực hiện các chính sách hỗ trợ theo đúng quy định cho 27 hộ, với tổng diện tích 24.016 m2. Tuy nhiên, Trung tâm giống mới chi trả cho 10 hộ đúng quy định (3.300 m2), còn 17 hộ để đến tháng 2/2008 mới chi trả đền bù đất, nhưng chưa chi trả tiền hỗ trợ. Vì vậy, đầu năm 2015, có 10 hộ trong tổng số 17 hộ dân đã lấy lại hơn 20 ha ruộng bị thu hồi để cày cấy.
10 năm thu hồi đất, tỉnh Lào Cai vẫn chưa chi trả tiền hỗ trợ cho các hộ dân. |
Tại Biên bản đối thoại với các hộ dân xã Bản Qua về việc xâm lấn đất Trại thực nghiệp sản xuất giống lúa tỉnh Lào Cai, ngày 20/3/2015, (do Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát là ông Nguyễn Đức Ca chủ trì, có cả lãnh đạo Sở Nông nghiệp, Trung tâm giống và các phòng ban huyện Bát Xát tham dự); các hộ bị thu hồi đất đã nêu thực trạng: “Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng không tiến hành công bố quy hoạch, niêm yết công khai và gửi quyết định thu hồi đất để người dân được biết. Cán bộ trong Hội đồng ĐBGPMB tự ý thống kê đất đai, tài sản hoa màu mà không có sự chứng kiến, thống nhất ký nhận của các hộ dân bị thu hồi đất. Hội đồng ĐBGPMB sau khi tổ chức đền bù không thu lại Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất của các hộ dân để điều chỉnh phần diện tích. Từ năm 2006 đến nay, UBND tỉnh Lào Cai tiến hành thu hồi đất nhưng vẫn chưa chi trả tiền hỗ trợ cho nhân dân”. Sau khi nghe các cơ quan chức năng trả lời các thắc mắc, không thấy thỏa đáng, các hộ dân lần lượt bỏ cuộc họp, chỉ còn hai hộ ở lại. Ông Nguyễn Đức Ca ý kiến kết luận “... ghi nhận ý kiến của nhân dân và xem xét các vấn đề cụ thể liên quan đến đơn vị, cá nhân nào, mức vi phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó. Việc các hộ lấn chiếm đất mà UBND tỉnh đã giao cho Trung tâm giống NLN sử dụng trong thời gian 50 năm là hoàn toàn sai...”.
Để người dân trả đất ruộng cho Trung tâm giống NLN Lào Cai, đảm bảo tiến độ sản xuất của Trại giống Bát Xát, UBND huyện Bát Xát đã có công văn yêu cầu các cơ quan, đơn vị rà soát xem các hộ chiếm đất có con đang công tác thì cho nghỉ về khuyên nhủ gia đình; người đang công tác tại các cơ quan, đơn vị nhà nước tham gia chiếm đất, nếu không trả sẽ bị đuổi việc; chỉ đạo xã Bản Qua ra QĐ xử phạt các hộ cố tình chiếm đất. Tuy nhiên, các hộ vẫn tiến hành cày cấy, Trung tâm phải thuê đất bên ngoài để sản xuất.
Làm việc với phóng viên, ông Đoàn Văn Ngọc là một trong những hộ bị thu hồi đất nói: “Chính quyền phải tiến hành chi trả đầy đủ các khoản hỗ trợ cho dân. Chưa nhận được tiền còn lại, chúng tôi vẫn cứ làm trên phần ruộng nhà mình”. Ông Ngọc đang làm nhân viên bảo vệ theo hợp đồng năm một tại Trường Mầm non xã Bản Qua, nhưng do bị quy tội lấn chiếm đất, nên Phòng Giáo dục huyện Bát Xát ra QĐ số 50, ngày 1/4/2015 đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Sẽ làm rõ trách nhiệm
Trước vụ việc xảy ra, ngày 29/5/2015, Chủ UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu huyện Bát Xát kiểm tra, làm rõ vấn đề theo phản ánh của người dân và có báo cáo cụ thể. Ngày 23/6/2015, UBND huyện Bát Xát gửi Báo cáo số 203 về UBND tỉnh, có nội dung: “Từ tháng 4/2006, UBND huyện Bát Xát đã có QĐ số 121 phê duyệt kinh phí đề bù giải phóng mặt bằng Công trình Trại thực nghiệm và sản xuất giống lúa tại xã Bản Qua. Nhưng mãi đến 2008, Trung tâm giống NLN Lào Cai mới chi trả tiền đền bù cho 17 hộ, như vậy là chưa đúng với quy định, vì số tiền đền bù của các hộ thực hiện theo QĐ 71/2005/QĐ - UB không còn hiệu lực năm 2008, thay vào là phải thực hiện theo QĐ /2007 và QĐ số 79/2007 của UBND tỉnh Lào Cai với mức hỗ trợ cao hơn”. Theo ước tính của UBND tỉnh Lào Cai, để thực hiện chính sách hiện hành thì phải chi trả thêm khoảng 3 tỷ đồng tiền hỗ trợ cho nhân dân.
Giải thích vấn đề này, bà Trần Thị Hằng, Giám đốc Trung tâm giống NLN Lào Cai nói: “Lúc đó, do Trung tâm đang tiến hành xây dựng trụ sở Trại giống Bát Xát, các hộ có nhu cầu cày cấy trên diện tích thu hồi nên chúng tôi chưa tiến hành chi trả tiền đền bù cho 17 hộ”. Về việc người dân phản ánh, chứng từ chi trả tiền không ghi ngày tháng năm, người có đất bị thu hồi đã chết và người mù chữ khi cho người khác ký thay nhưng vẫn để ký đích danh, bà Hằng thừa nhận là có và đưa ra lý do là sơ suất của cán bộ thực hiện công tác chi trả kinh phí đền bù.
Chúng tôi đã làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai, là đơn vị được UBND tỉnh giao trách nhiệm rà soát, kiểm tra chính sách đền bù của dự án. Giám đốc Sở, ông Nguyễn Thành Sinh khẳng định: “Quan điểm của tỉnh là chính sách thực hiện còn thiếu đối với người dân thì tiếp tục bổ sung cho đủ và tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có sai sót trong quá trình thống kê, đền bù, giải phóng mặt bằng khi thực hiện dự án”.