Là chủ tịch HĐQT hai quỹ tín dụng Thanh Tuyền và An Lập nên Phạm Thị Tuyết Phương quen biết nhiều người. Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của nhiều người dân, núp dưới chiêu "vay vốn làm ăn", bà Phương đã vay của nhiều hộ dân ở cùng xã và các địa phương khác số tiền lên đến nhiều tỷ đồng.
Ngày 28/10, làm việc với chúng tôi, ông Trần Văn Tạo - Chánh án TAND huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương) cho biết: "Từ năm 2008 đến cuối năm 2010, bà Phạm Thị Tuyết Phương, 54 tuổi, cư ngụ tại ấp Xóm Lẫm, xã Thanh Tuyền đã vay của nhiều hộ dân ở xã Thanh Tuyền một số tiền lớn. Khi thấy bà Phương có ý định sẽ không trả nợ, một số hộ đân đã làm đơn tố cáo bà Phương gửi đến TAND huyện. Chúng tôi đã mời bà Phương đến tòa án, tổ chức cho bà Phương gặp gỡ riêng với từng người viết đơn, đối chiếu thỏa thuận số tiền vay, sau đó ra quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự, gửi Chi cục Thi hành án dân sự huyện để thi hành".
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đầu năm 2008, bà Phương là Chủ tịch HĐQT hai quỹ tín dụng Thanh Tuyền và An Lập nên quen biết nhiều người. Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của nhiều người dân, núp dưới chiêu "vay vốn làm ăn", bà Phương đã vay của nhiều hộ dân ở cùng xã và các địa phương khác số tiền lên đến nhiều tỷ đồng. Chỉ trong một thời gian ngắn, bà Phương và những người thân trong gia đình đã vay của 7 hộ gia đình với số tiền gần 2 tỷ đồng và 60 chỉ vàng SJC.
Gặp chúng tôi, bà Trần Hơn, 65 tuổi, cư ngụ tại ấp Chợ, xã Thanh Tuyền bức xúc: "Gia đình tôi không có tài sản gì ngoài tờ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nghe lời nói ngon ngọt của bà Phương, tôi đã thế chấp, được bà Phương hỗ trợ về thủ tục vay tiền quỹ tín dụng nhiều lần để đưa cho bà Phương vay. Đến nay, số tiền lên tới 80 triệu đồng. Nếu không đòi được tiền từ bà Phương, chắc tôi không còn nhà để ở".
Mặc dù trong nhiều giấy vay tiền của dân, ngoài chữ ký của bà Phương còn có chữ ký, điểm chỉ của chồng và con trai bà Phương là ông Hứa Văn Út và anh Hứa Văn Hoàng nhưng phần tài sản còn lại của gia đình là thửa đất có diện tích 3.912m
2 tọa lạc tại ấp Xóm Lẫm đứng tên ông Út, gia đình ông đã "bí mật" bán cho bà Nguyễn Thị Mỹ, 50 tuổicư ngụ tại phường 16, quận 11, TP Hồ Chí Minh với giá 2 tỷ đồng.
Điều đáng nói là hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng 3.912m
2 đất này, vợ chồng ông Út, bà Phương đã làm thành 2 bản, 1 bản trị giá số tiền bán là 2 tỷ đồng, còn bản hợp đồng đưa ra UBND xã Thanh Tuyền xin xác nhận, trị giá chỉ có 450 triệu đồng. Mặc dù đã lấy hết 2 tỷ đồng tiền bán đất, nhưng vợ chồng ông Út, bà Phương vẫn không chịu trả nợ.
Thấy bà Phương, ông Út có dấu hiệu bất minh trong việc lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với bà Mỹ, tháng 9/2010, một số người cho bà Phương vay tiền đã làm đơn gửi UBND xã Thanh Tuyền, TAND và Phòng TN-MT huyện Dầu Tiếng yêu cầu ngăn chặn giao dịch này. Nhận được đơn, ngày 14/9/2011, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Dầu Tiếng đã trả hồ sơ cho bộ phận tiếp dân để trả lại đương sự. Đã thanh toán tiền mà không nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bà Mỹ đã gửi đơn đến TAND huyện Dầu Tiếng yêu cầu được xem xét, giải quyết.
Ông Nguyễn Vũ Anh Tuấn - Thẩm phán TAND huyện Dầu Tiếng khẳng định: "Vụ án này đang được TAND thụ lý giải quyết, đang trong giai đoạn thu thập, củng cố chứng cứ để đưa ra xét xử. Nếu hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Út và bà Mỹ không có dấu hiệu vi phạm thì phải công nhận hợp đồng này là hợp pháp. Nếu có dấu hiệu vi phạm thì không công nhận hợp đồng để bên thi hành án có điều kiện kê biên tài sản, thực hiện biện pháp cưỡng chế để bảo đảm thi hành án".
Thế là những nạn nhân của vụ vỡ nợ này lại phải chờ đợi. Không biết đến lúc nào họ mới lấy lại được số tiền đã cho bà Phương vay. Để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các nạn nhân trong vụ vỡ nợ này, chúng tôi rất mong cấp ủy, UBND huyện Dầu Tiếng quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng sớm làm rõ.
Theo cand.com