'Mỹ phẩm thiên nhiên' chế từ nguyên liệu trôi nổi ở Móng Cái

Phòng Cảnh sát môi trường Công an thành phố Hà Nội đã thu giữ hàng ngàn hộp mỹ phẩm không rõ nguồn gốc tại cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm của Công ty TNHH Thương mại quốc tế Bách Phương có địa chỉ tại ngõ 678 Đê La Thành (Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội).

Trước đó, các trinh sát Đội 4 - Phòng Cảnh sát Môi trường Công an thành phố Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát Môi trường Công an quận Ba Đình và Đội Quản lý thị trường số 3 tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Thương mại quốc tế Bách Phương, phát hiện cơ sở này đang sản xuất mỹ phẩm.

Chủ cơ sở là Đoàn Thị Dung (ở Hoài Đức, Hà Nội) không xuất trình được giấy phép sản xuất mỹ phẩm; không công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; không có giấy tờ, hóa đơn chứng minh xuất xứ của nguyên liệu dùng để sản xuất mỹ phẩm; bao bì nhãn mác của sản phẩm mà cơ sở này sản xuất đóng gói đều in chữ nước ngoài. Tiếp tục kiểm tra, lực lượng chức năng còn phát hiện tại cơ sở này có hàng ngàn hộp mỹ phẩm làm trắng da, mỹ phẩm trị nám tàn nhang, kem ngăn ngừa nấm, kem đặc trị mụn có bao bì nhãn mác in chữ nước ngoài với tên gọi là Ecolly.

Đoàn Thị Dung khai nhận Công ty Bách Phương hoạt động từ năm 2011, đến tháng 4/2013 thì bắt đầu sản xuất mỹ phẩm. Nguyên liệu để sản xuất mỹ phẩm là hàng trôi nổi được Dung mua tại Lạng Sơn và Móng Cái (Quảng Ninh), sau đó vận chuyển về cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm tại ngõ 678 Đê La Thành để đóng thành phẩm bán cho các trung tâm chăm sóc sắc đẹp, các thẩm mỹ viện, cơ sở massage, gội đầu trên địa bàn thành phố.

Về quy trình sản xuất loại mỹ phẩm này, Dung khai nhận, nguyên liệu có vỏ hộp, vỏ lọ và bột kem, Dung cũng mua tại Lạng Sơn, Móng Cái (Quảng Ninh), sau đó đem về tự pha chế và đóng gói với trọng lượng là 30g/lọ. Bao bì và nhãn mác của sản phẩm mà cơ sở Dung sản xuất, đóng gói đều in chữ nước ngoài.

Theo thông tin ban đầu từ một trinh sát thuộc Đội 4 Phòng Cảnh sát Môi trường Công an thành phố Hà Nội, nhãn hàng Ecolly là do Dung và đồng bọn tự nghĩ ra và đặt tên. Để tiêu thụ các sản phẩm giả là mỹ phẩm của Hàn Quốc này, Dung quảng cáo trên các trang mạng và diễn đàn là có nguồn gốc từ thiên nhiên, được điều chế theo công nghệ của Pháp. Một bộ mỹ phẩm này, Dung bán với giá thị trường từ 1,5 - 1,6 triệu đồng.

Cơ quan chức năng đã thu giữ toàn bộ số sản phẩm mỹ phẩm nói trên. Vụ việc đang tiếp tục được Cơ quan công an điều tra mở rộng.



Hạnh Quỳnh

Mỹ phẩm tự chế gây “sốt”
Mỹ phẩm tự chế gây “sốt”

Mới xuất hiện vài năm nay, sản xuất và sử dụng handmade (sản phẩm thủ công tự chế) nhanh chóng trở thành trào lưu thu hút nhiều bạn trẻ. Các sản phẩm handmade vô cùng phong phú và đa dạng. Ngoài các loại quà lưu niệm, vật dụng, đồ trang trí…, mỹ phẩm handmade cũng là lĩnh vực hấp dẫn cả người bán, người mua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN