Năm 2022: Tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Tập trung tham mưu về công tác thể chế, giải quyết các vấn đề pháp lý đảm bảo thực hiện Chiến lược phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp...

Đây là những nhiệm vụ trọng tâm mà bộ, ngành Tư pháp tập trung thực hiện trong năm 2022, nhằm sớm đưa những quyết sách quan trọng của Đảng vào cuộc sống, đóng góp ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Đại hội XIII của Đảng xác định, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế là một trong ba khâu đột phá chiến lược cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn tới. Văn kiện cũng nhấn mạnh "Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu". Từ đó, đặt ra yêu cầu "Đảng và Nhà nước ban hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân".

Quán triệt quan điểm này, thời gian qua, ngành Tư pháp đã chủ động, tích cực tham mưu giúp Chính phủ, Quốc hội, chính quyền các cấp thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng; góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật cơ bản đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, khả thi, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, năm 2021, các vấn đề pháp lý phát sinh do dịch COVID-19 cần phải rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện, thích ứng với tình hình mới là một trong những nhiệm vụ đặt lên vai ngành Tư pháp những trách nhiệm rất nặng nề. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn về nguồn lực, ngành đã kịp thời phối hợp với các cơ quan tham mưu Chính phủ, chính quyền các cấp xây dựng, hoàn thiện các văn bản liên quan đến phòng, chống dịch; các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị tác động bởi dịch bệnh, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Đánh giá cao nỗ lực của toàn ngành Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ, những kết quả của ngành đã đóng góp vào thành tựu chung của đất nước. Nhấn mạnh thời gian tới, đòi hỏi của nhân dân, của thực tiễn sẽ cao hơn về môi trường pháp lý, Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, Bộ, ngành Tư pháp phải chuẩn bị tâm thế để chuẩn bị, thực hiện nhiệm vụ năm 2022 tốt hơn năm 2021.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trong bối cảnh chúng ta xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, môi trường pháp lý phải hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển, khắc phục các bất cập, giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong tình hình mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, để có môi trường pháp lý phù hợp, giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra, phát huy giá trị con người Việt Nam, lấy con người là trung tâm, là chủ thể trong xây dựng và thực thi pháp luật, mục tiêu cuối cùng là ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh, phải tháo gỡ  được những khó khăn, nút thắt về thể chế. Trong nền pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì mọi hoạt động phải tuân thủ pháp luật, nếu thể chế chưa phù hợp, chưa đi vào thực tiễn, thực tiễn đòi hỏi thì phải mạnh dạn đề xuất, xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.

Xuất phát từ việc thực hiện các quy định của pháp luật tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho rằng, trong từng quy định cụ thể giữa một số luật còn có độ vênh, luật sau không có điều khoản phủ định luật trước nên các địa phương băn khoăn, khó khăn trong việc hiểu và áp dụng, ảnh hưởng nhất định đến việc phục hồi, phát triển kinh tế sau dịch.

Ông Dương Anh Đức dẫn chứng, Luật Đất đai năm 2013 và Luật Nhà ở năm 2014 có khái niệm khác nhau về đất hợp pháp và đất ở hợp pháp; Luật Lâm nghiệp năm 2017 và Luật Đầu tư năm 2020 chưa có quy định thống nhất về trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh đối với dự án có đề xuất chuyển mục đích sử dụng rừng… "Đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát các quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, khác nhau để trình đề xuất Quốc hội có Nghị quyết hoặc luật sửa đổi, bổ sung, thống nhất thi hành các quy định. Trong thời gian chờ sửa đổi các quy định thì cho phép các địa phương vận dụng thực hiện những điều khoản có lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp", Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đề xuất.

Ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của địa phương, năm 2022, Bộ, ngành Tư pháp tăng cường công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp; chú trọng thực hiện có chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với các công tác này, nhất là việc theo dõi, đôn đốc việc xử lý văn bản trái pháp luật, xử lý kết quả rà soát văn bản của các bộ, ngành, địa phương...

Toàn ngành bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các định hướng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao chất lượng tổ chức thi hành pháp luật, cải cách tư pháp; thể hiện trong các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tổng kết và thực hiện các nghị quyết, chỉ thị liên quan đến các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp; các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tập trung tham mưu thể chế hóa những định hướng chính sách lớn, then chốt trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tiếp tục tham gia hiệu quả trong việc xây dựng, trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, ban hành và tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; tham mưu thực hiện hiệu quả, bảo đảm tiến độ, chất lượng Định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội.

Ngành Tư pháp tổ chức thi hành hiệu quả văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các luật, pháp lệnh, nghị quyết mới được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và "chùm" Nghị định quy định chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính...

Phan Phương (TTXVN)
Phê duyệt quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập ngành tư pháp
Phê duyệt quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập ngành tư pháp

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định 2070/QĐ-TTg ngày 8/12/2021 phê duyệt quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành tư pháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN