Đích thân Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện bắt xe quá tải 200%. Ảnh: Trần Duy/Tổng cục Đường bộ Việt Nam |
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện, lợi dụng các Trạm Kiểm soát tải trọng xe của một số địa phương tạm dừng hoạt động sau hội nghị tổng kết Kế hoạch phối hợp liên ngành 12593 giữa Bộ GTVT - Bộ Công an để bố trí, sắp xếp lại lực lượng, tình trạng xe cơi nới kích thước thành thùng, chở hàng quá tải có dấu hiệu tái diễn trở lại và ngày càng phức tạp, hoạt động công khai trên các quốc lộ, đặc biệt là Quốc lộ (QL)1, QL2, QL3, QL14, QL18, đường Hồ Chí Minh... và các tuyến đường địa phương.
Mới đây, trung tuần tháng 4/2017, đích thân ông Nguyễn Văn Huyện đã cùng đoàn liên ngành mật phục bắt hàng chục xe quá tải từ 100 – 200% chỉ trong 1 ngày đêm trên tuyến đường Đại lộ Thăng Long – Xuân Mai đi Hòa Bình và trên QL1 đoạn qua Hà Nam.
Đơn cử, ngày 12/4, đoàn kiểm tra của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phát hiện bắt giữ xe tải BKS 14C - 104.04 chở quá tải tới 210% và cơi nới thành thùng xe lên đến 1,3 m. Lái xe tải và chủ doanh nghiệp này đã bị lập biên bản xử phạt tại chỗ với mức phạt trên 100 triệu đồng cho các lỗi vi phạm cộng dồn.
Cùng ngày, tại Trạm Kiểm soát tải trọng xe Hà Nam thuộc đường tỉnh 495 khu vực thôn Tân Sơn, thị trấn Kiện Khê, đoàn kiểm tra phát hiện và bắt giữ chỉ trong 30 phút hàng chục xe quá tải trọng trên 200% lưu thông, như các xe tải BKS: 90C - 000.25, 90C - 059.86, 90C - 045.41, 90C - 012.39, 90C - 049.66...
Theo ông Đặng Văn Trung, Phó vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT), đối với hành vi vi phạm chở quá tải vượt khung (trên 150%), Nghị định 46/CP quy định mức phạt nặng lên đến hàng chục triệu đồng đối với lái xe và hang trăm triệu đồng đối với doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Huyện chia sẻ: Việc xử lý xe quá tải và vi phạm kích thước thùng chở hàng tại các địa phương hiện nay có nhiều “lỗ hổng” như: Buông lỏng kiểm soát tại các trạm cân, lãnh đạo các Sở GTVT chưa quan tâm đúng mức, chưa quyết liệt xử phạt… Tổng cục đang hoàn thiện báo cáo trình Bộ GTVT phê bình công tác Trạm Kiểm soát tải trọng xe đối với các Sở GTVT để xe quá tải hoạt động.
“Xốc” lại lực lượng
Trước thực tế trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang đề xuất liên Bộ GTVT - Công an xây dựng kế hoạch phối hợp thay thế Kế hoạch 12593 và gửi công văn yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở GTVT thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 32/CT-TTg ngày 25/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông từ nay đến cuối năm.
Tăng cường lực lượng chống xe quá tải bùng phát trở lại. Ảnh Tiến Hiếu/TTXVN |
“Các Sở GTVT tập trung sắp xếp lại lực lượng, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, chủ trì hoặc phối hợp với các lực lượng Công an đưa các Trạm cân lưu động hoạt động trở lại. Trong trường hợp không có lực lượng CSGT và lực lượng Cảnh sát khác, thì lực lượng Thanh tra giao thông chủ động thực hiện toàn bộ các nhiệm vụ tại Trạm Kiểm soát tải trọng xe . Đồng thời sử dụng cân xách tay để kiểm soát tải trọng trên các hệ thống đường bộ thuộc địa bàn của địa phương”, ông Huyện cho hay.
Về vấn đề này, theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, đến nay, sau khi đã giảm được hơn 90% xe quá tải, không có lý gì lại không làm tiếp. Vì vậy, trong tháng 5/2017, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ khảo sát từ 1 - 2 Trạm thu phí BOT đã lắp đặt cân tự động để kiểm tra tải trọng xe, đề xuất giải pháp thí điểm sử dụng thông tin từ các trạm này để xử phạt nguội xe quá tải. đồng thời gắn trách nhiệm Trạm Kiểm soát tải trọng xe với lực lượng Thanh tra giao thông các địa phương, không thể để phí chức năng của các trạm cân lưu động, nhằm bảo vệ kết cấu hạ tầng.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) thống kê, đến tháng 4/2017, lực lượng liên ngành Thanh tra - Cảnh sát giao thông cả nước đã kiểm tra 66.280 xe tải; phát hiện, xử phạt 6.966 xe vi phạm, tước 1.976 giấy phép lái xe và xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước 54,7 tỷ đồng tại các Trạm Kiểm soát tải trọng xe lưu động và cố định.