Chiều 1/9, thông tin đến báo Tin tức, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an cho biết, trên tuyến đường bộ, CSGT và Công an các địa phương trên toàn quốc đã kiểm tra, phát hiện xử lý 9.760 trường hợp vi phạm; phạt tiền gần 20 tỷ đồng; tạm giữ 206 xe ô tô, 2.395 xe mô tô, 45 phương tiện khác; tước 1.854 Giấy phép lái xe (GPLX) các loại.
Các Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc (thuộc Cục CSGT) đã lập biên bản 124 trường hợp vi phạm, phạt tiền gần 400 triệu đồng, tước GPLX 49 trường hợp. Trong đó, kết quả xử lý qua hệ thống giám sát, lực lượng chức năng phát hiện 87 trường hợp; số phương tiện dừng lập biên bản: 6 trường hợp; số phương tiện đã gửi thông báo vi phạm: 81 trường hợp; số phương tiện đã thực hiện xử phạt vi phạm hành chính: 51 trường hợp; tước 25 GPLX.
Trên tuyến đường thủy, lực lượng Cảnh sát đường thủy thuộc Cục CSGT và Công an các đơn vị địa phương phát hiện xử lý 161 trường hợp vi phạm, phạt tiền 247 triệu đồng; tước bằng, chứng chỉ chuyên môn 1 trường hợp.
Kết quả thực hiện các chuyên đề theo Kế hoạch cao điểm xử lý vi phạm cho thấy: 1.603 trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới vi phạm về nồng độ cồn, số tiền thu từ việc xử phạt hành vi này lên đến gần 8 tỷ đồng. Lực lượng chức năng cũng đã xử lý vi phạm về tốc độ (898 ô tô, 829 mô tô): 1.727 trường hợp; phạt tiền gần 4 tỷ đồng; xử lý phương tiện vận tải hàng hóa vi phạm quy định về “cơi nới” thùng xe chở hàng quá tải trọng, quá khổ: 715 trường hợp; phạt tiền gần 4 tỷ đồng.
Trong đó: Chở hàng quá tải trọng: 379 trường hợp; quá khổ giới hạn: 128 trường hợp; tự ý cải tạo phương tiện: 64 trường hợp; cưỡng chế việc tháo, cắt thùng xe: 21 trường hợp; tự giác cắt thùng xe: 51 trường hợp; thông báo tới cơ quan đăng kiểm: 8 trường hợp; Xử lý hành vi vi phạm trên đường thủy nội địa: 158 trường hợp; phạt tiền hơn 200 triệu đồng. Trong đó: Chở quá vạch mớn nước an toàn: 119 trường hợp; không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ phao cứu sinh, thiết bị an toàn kỹ thuật, PCCC: 5 trường hợp; vi phạm về đăng ký, đăng kiểm: 9 trường hợp; vi phạm khác: 42 trường hợp.
Liên quan đến vấn đề ùn tắc giao thông, tại địa bàn TP Hà Nội và các địa phương giáp ranh: từ 16 giờ đến khoảng 19 giờ cùng ngày, các tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hà Nội - Quảng Ninh, phương tiện tham gia giao thông trên tuyến bình thường không ùn tắc, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên một số tuyến trục xuyên tâm, Vành đai thành phố như Giải Phóng, Quốc lộ 1 (đoạn qua địa phận Ngọc Hồi - Thanh Trì, Minh Khai - Nguyễn Khoái - cầu Vĩnh Tuy... và các cửa ngõ như Nhật Tân - Nội Bài với Quốc lộ 18, Quốc lộ 5, vào thành phố và các bến xe như Giáp Bát, Nước Ngầm), lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng rất cao, xuất hiện tình trạng ùn tắc, do di chuyển vào giờ cao điểm.
Riêng đường Vành đai 3 trên cao lượng phương tiện tăng đột biến, nhất là tại các điểm giao BigC, Nguyễn Xiển, Pháp Vân do người dân về quê nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, các phương tiện lưu thông chậm theo điều tiết của CSGT (chiều đi cầu Thanh Trì).
Tại địa bàn TP Hồ Chí Minh và các địa phương giáp ranh: Tình hình trên các tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận, lưu lượng phương tiện có tăng nhưng lưu thông đảm bảo bình thường, không có ùn tắc. Cửa ngõ đi miền Đông lượng phương tiện tăng nhưng không ùn tắc.
Tại nút giao An Phú lưu lượng phương tiện tăng cao, đội CSGT Cát Lái và đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 6, Cục CSGT điều tiết phân luồng. Các tuyến Quốc lộ 1, tỉnh lộ 8, N2 đi các tỉnh, phương tiện lưu thông bình thường.
Trên các tuyến, lực lượng CSGT thuộc Cục CSGT, Công an TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre và các địa phương liên quan bố trí trực 100% quân số, có mặt tại các vị trí phân công, tăng cường tuần tra trên tuyến, kịp thời xử lý những vụ việc phát sinh trên tuyến, không để xảy ra ùn tắc.