Vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Long An vốn dồi dào nguồn thủy sản. Những năm gần đây, nguồn thủy sản ở vùng Đồng Tháp Mười khan hiếm, không còn dồi dào như trước bởi tình trạng người dân sử dụng các phương tiện đánh bắt kiểu tận diệt để bắt cả cá mẹ lẫn cá con, dẫn đến bắt thì ít, diệt thì nhiều.
Ông Võ Hùng Cường - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Mộc Hóa cho biết, vì lợi nhuận trước mắt nên nhiều người dân không ngần ngại sử dụng phương tiện bằng điện để khai thác, đánh bắt thủy sản. Bác Nguyễn Văn Giang ở xã Bình Hiệp (huyện Mộc Hóa) bức xúc: Hàng ngày, tôi chứng kiến hàng chục gia đình trong xã sử dụng dàn cáo và gắn điện trước lưới từ nguồn mô tơ phát điện trên xuồng, quét đến đâu là cá lớn, cá nhỏ nổi trắng bụng đến đó. Các ngư dân ở vùng Đồng Tháp Mười cũng cho biết, dòng điện của cào, xuyệc điện lên đến 220V. Với dòng điện phát ra như vậy, từ cá ròng ròng đến các loại cá lớn đều bị tận diệt, con nào dính điện nhẹ không vào lưới, thoát chết thì cũng không thể lớn và sinh sản.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Ông Lê Văn Hải, ở xã Hưng Thạnh (huyện Tân Hưng) cho biết: Trong mùa lũ, nếu sử dụng cào điện một ngày có thể đánh bắt 150-200 kg cá lớn nhỏ, thu từ 1,5-2 triệu đồng; nếu dùng xuyệc điện thì bắt được 20-30 kg, thu lợi rất cao. Chi phí mua sắm máy móc, dụng cụ đánh bắt cá bằng cào điện, xuyệc điện chỉ vài triệu đồng, nên nhiều người không e ngại khi chính quyền địa phương phát hiện, bắt tịch thu phương tiện. Khúc sông, khúc rạch nào mà tối hôm trước có người dùng điện đánh bắt là biết ngay, vì hôm sau cá con nổi trắng lên mặt nước, ai cũng thấy xót xa cho nguồn thủy sản ở vùng Đồng Tháp Mười bị diệt. Anh Hai Bé ở xã Vĩnh Bình (huyện Vĩnh Hưng - huyện đầu nguồn lũ) cho biết, ngày trước lúc lũ mới đổ xuống thì cá ở sông rạch nhiều lắm. Nay đi giăng 100-200 mét lưới cả ngày chỉ kiếm được vài ba kg cá, đủ ăn hoặc làm mắm để dành, bởi 2-3 năm trở lại đây nhiều người dân sử dụng điện để đánh bắt, các loài thủy sản bị tận diệt, không còn sinh sản như trước.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Long An Nguyễn Văn Cương cho biết: Các cơ quan chức năng cũng thường xuyên kiểm tra các phương tiện sử dụng điện đánh bắt thủy sản, nhưng khi phát hiện có đoàn kiểm tra thì các đối tượng chuyển sang địa bàn khác, khi cơ quan chức năng về thì họ lại tiếp tục. Có những trường hợp, các đối tượng phi tang đồ nghề xuống sông, chờ cơ quan chức năng về họ lại vớt lên. Một số ghe cào, xuyệc điện còn sử dụng xuồng, vỏ lãi được gắn động cơ xe ô tô chạy với tốc độ cao, nên việc phát hiện, bắt giữ không đơn giản, trong khi lực lượng kiểm tra mỏng, thiếu phương tiện tuần tra, chính quyền địa phương còn né tránh.
Từ đầu năm 2011 đến nay, tỉnh Long An đã xử lý, tịch thu 304 bình ắc quy, hơn 400 bộ kích điện và nhiều phương tiện ghe xuồng, thu phạt gần 400 triệu đồng. Tuy vậy, tình hình vẫn không lắng dịu. Hiện nay, Chi cục Thủy sản Long An phối chặt chẽ với chính quyền địa phương, ngoài tuần tra kiểm soát việc đánh bắt của ngư dân ở sông rạch, còn nắm bắt những hộ nào sử dụng điện đánh bắt thủy sản để vận động họ hủy bỏ, hoặc có biện pháp xử lý thu hồi, có chính sách hỗ trợ vốn cho bà con, nhất là những hộ nghèo không có đất sản xuất để chuyển đổi nghề khác hoặc đánh bắt bằng ngư cụ truyền thống. Chính quyền xã tăng cường công tác quản lý đối với những hộ nuôi cá lồng, cá trong vèo liên kết tiếp tay với các hộ đánh bắt cá bằng điện, thu mua lại cá con về chế biến thức ăn để nuôi cá.
Thanh Tuấn