Trong đó, bị cáo Trần Phương Bình và Nguyễn Thị Kim Xuyến (nguyên Phó Tổng Giám đốc DAB) đều bị Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt mức án từ 14-15 năm tù về cùng tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” theo quy định tại Điều 206, khoản 4 - Bộ luật Hình sự.
Tổng hợp với hai án tù chung thân của bị cáo Bình và 16 năm tù của bị cáo Xuyến trong các vụ án trước xét xử cùng về những sai phạm dẫn tới thất thoát tiền của DAB, mức án tổng hợp được Viện Kiểm sát đề nghị cho bị cáo Bình là chung thân và cho bị cáo Xuyến là 30 năm (mức án tối đa của hình phạt tù có thời hạn).
Tám bị cáo còn lại bị đại diện Viện Kiểm sát đề nghị các mức án từ 2 năm tù treo đến 9 năm tù giam về cùng tội danh “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.
Trong phiên tòa này, 2 bị cáo Bình và Xuyến đều có đơn xin xét xử vắng mặt với lý do sức khỏe và được Hội đồng xét xử chấp nhận. Trong các biên bản hỏi cung được thẩm phán Trần Thị Tâm (chủ tọa phiên tòa) công bố tại phiên xử, cả 2 bị cáo đều thừa nhận hành vi vi phạm như cáo buộc của Viện Kiểm sát và mong muốn được Hội đồng xét xử cho hưởng sự khoan hồng của pháp luật với mức án thấp để sớm có cơ hội trở về với gia đình, cộng đồng và xã hội.
Bản luận tội của đại diện Viện Kiểm sát nêu rõ, hai bị cáo Trần Phương Bình, Nguyễn Thị Kim Xuyến với tư cách là Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc DAB, là người chịu trách nhiệm chính, đã phê duyệt trái pháp luật các khoản tín dụng để Ngân hàng Đông Á chi nhánh Hà Nội giải ngân cho Công ty An Phát. Ngoài ra, do có quan hệ thân thiết với bị cáo Phan Thúy Mai (nguyên Giám đốc Công ty An Phát), nên bị cáo Trần Phương Bình, Nguyễn Thị Kim Xuyến đã chỉ đạo các nhân viên DAB Chi nhánh Hà Nội phải làm hồ sơ nhanh chóng, giải ngân nhanh, bỏ qua các quy trình thẩm định, không thực hiện đúng các thủ tục đăng ký giao dịch đảm bảo, để Công ty An Phát được giải ngân các khoản tín dụng rất lớn trong tổng gói tín dụng 500 tỷ đồng đã được Trần Phương Bình phê duyệt, gây thiệt hại lớn cho DAB. Hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho DAB.
Về dân sự, Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên buộc Công ty An Phát phải bồi thường cho DAB 108 tỷ đồng, các bị cáo phải liên đới bồi thường 76 tỷ đồng còn lại trong tổng thiệt hại vụ án (được xác định là gần 185 tỷ đồng). Đồng thời, Viện Kiểm sát cũng đề nghị Tòa tuyên trả lại 123 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Công ty An Phát, bị các bị cáo sử dụng làm tài sản đảm bảo trong các hợp đồng vay vốn trái pháp luật.
Trong phần thẩm vấn công khai tại tòa, 4 bị cáo nguyên là những cán bộ, nhân viên của DAB chi nhánh Hà Nội (gồm: Nguyễn Thị Ngọc Anh, Võ Thị Bạch Hương, Nguyễn Minh Hoàng, Nguyễn Thị Phương) thừa nhận hành vi sai phạm, song cho rằng không nhận thức được đó là vi phạm pháp luật, không được hưởng lợi ích vật chất. Do đó, trong phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử cho các bị cáo này được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Đối với bị cáo Phan Thúy Mai, đại diện Viện Kiểm sát xác định bị cáo Mai đã sử dụng các tài liệu giả chữ ký của các cổ đông để thực hiện việc thế chấp tài sản, dùng tài sản đang tranh chấp để thế chấp, thực hiện việc thế chấp tài sản không có sự đồng ý của các cổ đông với mục đích để được giải ngân.
Mai lợi dụng mối quan hệ thân thiết với Tổng Giám đốc Trần Phương Bình và Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Kim Xuyến (sở hữu 5% cổ phần tại Công ty An Phát), tác động để Bình, Xuyến chỉ đạo DAB Chi nhánh Hà Nội phải làm hồ sơ nhanh chóng, bỏ qua các quy trình thẩm định, giải ngân nhanh, không thực hiện đúng các thủ tục đăng ký giao dịch đảm bảo, để Công ty An Phát được giải ngân các khoản tín dụng rất lớn trong tổng gói tín dụng 500 tỷ đồng đã được Trần Phương Bình phê duyệt. Hành vi của Phan Thuý Mai là đồng phạm với Trần Phương Bình, Nguyễn Thị Kim Xuyến và Lương Ngọc Quý (nguyên Giám đốc DAB chi nhánh Hà Nội) về tội "Vi phạm các quy định về hoạt động ngân hàng".