Mạo danh thương hiệu, nhân viên ngân hàng
Mới đây nhất ngày 6/4, Ngân hàng Bản Việt (Vietcapitalbank) đã phát đi thông báo về tình trạng mạo danh ngân hàng với nhiều thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi như: sử dụng giấy tờ giả mạo hình ảnh ngân hàng thông báo khách hàng được duyệt cho vay, yêu cầu khách hàng truy cập vào link trang web giả mạo ngân hàng để hoàn thành các bước hoàn tất hồ sơ.
Ngoài ra, nhiều đối tượng mạo danh nhân viên Ngân hàng Bản Việt gọi đến yêu cầu khách hàng cập nhật thông tin, nếu không sẽ dừng dịch vụ; hoặc giả mạo nhân viên ngân hàng gọi đến yêu cầu khách hàng hoàn thiện hồ sơ, tiết lộ thông tin tài khoản, mật mã, số CCCD… để cho vay vốn.
Nhiều khách hàng nhìn thấy logo ngân hàng đúng, gửi từ email có thương hiệu ngân hàng, trang web có tên ngân hàng nên đã không nghi ngờ thực hiện các thao tác theo hướng dẫn, dẫn đến bị hack tài khoản và bị mất tiền.
Đại diện Ngân hàng Bản Việt cho biết, ngân hàng không gửi thông báo cho vay đại trà đến khách hàng. Chỉ khách hàng đã được duyệt cho vay mới nhận được thông báo cho vay từ phía ngân hàng qua cán bộ Quan hệ khách hàng. Tên miền duy nhất của Bản Việt là http://vietcapitalbank.com.vn; ứng dụng ngân hàng số digimi của Ngân hàng Bản Việt không yêu cầu khách hàng truy cập vào bất kỳ link/app nào khác. Song song đó, nhân viên ngân hàng cũng không có yêu cầu tiết lộ thông tin cá nhân, tài khoản, mã OTP… để hoàn thiện hồ sơ.
Trước đó, trong tháng 3/2023, Ngân hàng TPBank cũng đưa ra khuyến cáo với khách hàng về cảnh giác các thủ đoạn lừa đảo tương tự như: mạo danh nhân viên ngân hàng, giả mạo logo, con dấu và chữ ký của người đại diện để lập hồ sơ giả nhằm chào mời khách hàng vay tiền. Thậm chí, đối tượng lừa đảo còn giả mạo cả các yếu tố xác thực (dấu tích xanh/cam…) giống của TPBank hoặc số điện thoại có đầu số 1900*** (dạng như tổng đài) để gây nhầm lẫn cho khách hàng.
Mục tiêu của các đối tượng lừa đảo này nhằm yêu cầu khách hàng nộp các khoản phí làm hồ sơ, phí ứng trước khoản vay, phí kích hoạt tài khoản/khoản vay vào một tài khoản cá nhân nào đó. Sau khi “dụ được con mồi vào tròng”, đối tượng lừa đảo sẽ chặn số điện thoại để khách hàng không liên lạc được.
Đại diện TPBank cho biết, trong mọi trường hợp, ngân hàng không yêu cầu khách hàng chuyển khoản/nộp tiền mặt để thu các loại phí như phí mở hồ sơ vay vốn, phí kích hoạt tài khoản hoặc khoản vay, phí điều chỉnh số tài khoản sai… cho bất cứ cá nhân nào, kể cả nhân viên TPBank. Do vậy, nếu khách hàng nhận được yêu cầu này, tuyệt đối không làm theo yêu cầu của kẻ gian.
Trong khi đó, Ngân hàng Hàng Hải – MSB đưa thông tin cảnh báo về các đối tượng lừa đảo lập tài khoản trên mạng xã hội Zalo, Facebook có sử dụng logo, hình ảnh, thông tin của phòng giao dịch, nhân viên MSB… và sử dụng các tài khoản này liên hệ với khách hàng để giới thiệu các gói vay vốn hấp dẫn hoặc cung cấp dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, hỗ trợ nâng hạn mức thẻ tín dụng.
Cũng với thủ đoạn lừa đảo tương tự như trên, đối tượng lừa đảo tiếp cận, trao đổi, mời khách hàng cung cấp thông tin cá nhân (số thẻ CCCD, CMND) để hỗ trợ vay vốn, thanh lý hồ sơ cho vay, giới thiệu các gói vay hay tiền gửi hấp dẫn. Thậm chí, các đối tượng lừa đảo còn giả mạo văn bản xác nhận có chữ ký lãnh đạo ngân hàng gửi cho khách hàng để chứng minh khách hàng đã được giải ngân khoản vay, thỏa điều kiện để nhận ưu đãi của ngân hàng và yêu cầu khách hàng nộp trước một khoản tiền/phí. Sau khi nhận được tiền, đối tượng lừa đảo chặn toàn bộ liên lạc với khách hàng nhằm chiếm đoạt tài sản.
Ngoài ra, đối tượng lừa đảo còn tiếp cận tư vấn, yêu cầu khách hàng cung cấp hồ sơ để hỗ trợ vay vốn. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, đối tượng thông báo khách hàng không đủ điều kiện vay vốn do có nợ xấu, yêu cầu đóng trước một khoản tiền để xóa nợ xấu, chuyển một khoản tiền gọi là phí hồ sơ để hoàn tất thủ tục. Sau khi nhận được tiền, các đối tượng này ngay lập tức chặn liên lạc nhằm chiếm đoạt tài sản.
Với việc chào mời hỗ trợ khách hàng rút tiền mặt từ thẻ tín dụng hoặc nâng hạn mức thẻ tín dụng, theo Ngân hàng MSB, tuy hình thức lừa đảo không mới nhưng vẫn có nhiều người bị lừa. Cụ thể, đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin thẻ, sau đó thông báo khách hàng sẽ nhận được một mã hợp đồng gửi đến số điện thoại (thực tế đây là mã OTP của giao dịch trừ tiền từ thẻ tín dụng). Nếu khách hàng cung cấp mã số này, đối tượng lừa đảo sẽ chiếm đoạt tiền qua các giao dịch thanh toán mua sắm online, ví điện tử…
Đại diện Ngân hàng MSB cho biết, hiện nay quy trình vay vốn, cấp tín dụng tại MSB luôn được ngân hàng thực hiện minh bạch, khách hàng gặp gỡ trực tiếp với ngân hàng hoặc thông qua hệ thống ứng dụng, nền tảng công nghệ do MSB phát triển để ký nộp hồ sơ vay vốn nhằm đảm bảo an toàn, bảo mật trong quá trình đăng ký vay vốn.
Cảnh giác các chiêu trò lừa đảo
Để đảm bảo tài khoản an toàn và bảo mật, Ngân hàng MSB khuyến cáo khách hàng nên tuyệt đối nâng cao cảnh giác trước bất kỳ lời mời chào vay vốn từ các số điện thoại cá nhân, yêu cầu kết bạn Facebook/Zalo, yêu cầu chuyển trước các khoản tiền phí, đặt cọc…
Không cung cấp thông tin cá nhân, số thẻ, mật khẩu, OTP; hoặc chuyển tiền đến số tài khoản cá nhân lạ mà khách hàng không xác thực được thông tin người nhận là ai. Nên tìm hiểu kỹ về uy tín và bảo mật của tổ chức cho vay trước khi thực hiện các thao tác và thủ tục để vay vốn, đặc biệt trong trường hợp nhận được lời mời hoặc quảng cáo vay vốn bất ngờ.
Khách hàng chỉ truy cập ngân hàng điện tử của các ngân hàng qua các trang web chính thức của ngân hàng; không nhập OTP hay mã xác thực sinh ra từ Soft Token lên bất kỳ đường link hay ứng dụng nào mà không phải giao dịch do khách hàng khởi tạo.
Thông báo ngay cho ngân hàng qua số hotline được công bố trên trang web chính thức hay trên ứng dụng ngân hàng, cơ quan công an để được hỗ trợ khi nghi ngờ bị lừa đảo. Nếu khách hàng có nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính của ngân hàng, khách hàng nên tới quầy giao dịch gần nhất hoặc liên hệ với ngân hàng cần giao dịch thông qua các kênh chính thức.
Tương tự, đại diện Ngân hàng Standard Chartered cũng yêu cầu khách hàng không nên truy cập vào thiết bị và dữ liệu bằng các phần mềm độc hại; không nên cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân nào cho những người không rõ danh tính như sao kê ngân hàng hoặc thẻ tín dụng, bản sao CMND/CCCD, hộ chiếu, giấy phép lái xe hoặc các loại giấy tờ tuỳ thân khác, thông tin đăng nhập ngân hàng trực tuyến.
Theo Ngân hàng Standard Chartered, nếu để lọt những thông tin trên, những kẻ lừa đảo có thể sử dụng định danh của khách hàng để thực hiện các hành vi phạm tội như: đăng ký mở thẻ tín dụng và vay nợ; mở tài khoản ngân hàng để rửa tiền và thực hiện các hành vi phạm tội; truy cập vào ngân hàng trực tuyến khách hàng đang sử dụng để thực hiện các giao dịch không hợp pháp; chiếm quyền kiểm soát điện thoại của khách hàng để vô hiệu hoá các mã bảo mật và mã xác thực OTP.
Để hạn chế nguy cơ lừa đảo trực tuyến, khách hàng không truy cập vào các đường liên kết hoặc dữ liệu đáng ngờ cũng như tuyệt đối không phản hồi lại các email, tin nhắn chưa xác thực danh tính, hoặc những cuộc gọi yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân; suy nghĩ thật cẩn trọng trước khi chia sẻ thông tin và tài liệu cá nhân với bất kỳ ai; lưu trữ một cách an toàn các bản cứng và bản mềm tài liệu định danh và thông tin bảo mật của khách hàng; tiêu huỷ và loại bỏ những bản sao này khi không còn cần thiết.
Ngoài ra, khách hàng nên sử dụng cụm mật khẩu được tạo nên bởi quy luật của riêng mình, dễ nhớ nhưng khó đoán với người khác cho các tài khoản trực tuyến, bao gồm cả email. Tuyệt đối không chia sẻ mật khẩu của mình cho bất kì ai. Đặc biệt, khách hàng nên đăng ký bảo mật 2 lớp (2FA) để tăng cường bảo mật cho các tài khoản trực tuyến bất kỳ khi nào có thể.
Khi nghi ngờ bị đối tượng lấy thông tin, khách hàng nên lập tức báo cáo ngay cho đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông đang sử dụng khi dịch vụ điện thoại của khách hàng bị gián đoạn (không thể gọi hoặc nhắn tin...), để chắc rằng điện thoại đang không bị mất quyền kiểm soát vào tay những kẻ lừa đảo.