Một số vụ việc, vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp lớn của Nhà nước và một số lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, đầu tư công, khoáng sản đã được phát hiện và xử lý trong thời gian qua. Tuy nhiên, công tác điều tra, xử lý loại tội phạm này đang gặp không ít khó khăn, mà một trong những nguyên nhân là pháp luật về phòng chống tham nhũng còn nhiều kẽ hở.
“Vướng” từ luật
Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về vấn đề này, ông Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, trong quá trình điều tra ban đầu, khi vụ án chưa được khởi tố thì công tác thu thập tài liệu đối với hành vi phạm tội tham nhũng liên quan đến lĩnh vực ngân hàng hoặc người có hành vi phạm tội là đảng viên rất khó khăn. Lý do là việc thu thập tài liệu bị hạn chế từ quy định bảo mật và cung cấp thông tin liên quan đến tiền và tài sản của khách hàng hoặc từ quy định áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để điều tra đối với cán bộ, đảng viên khi chưa được khởi tố.
Vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản tại Vinalines đã được đưa ra xét xử. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN |
Ông Tuấn phân tích thêm: “Dấu hiệu định tội của một số tội danh được quy định trong Bộ luật Hình sự gần giống nhau dẫn đến khó xác định, khó áp dụng, như tội ‘Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ’ (Điều 281), tội ‘Lạm quyền trong khi thi hành công vụ’ (Điều 282) nhưng chưa có quy định hướng dẫn của liên ngành Trung ương và của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Một số dấu hiệu định tội như ‘nghiêm trọng’, ‘rất nghiêm trọng’, ‘đặc biệt nghiêm trọng’, ‘hậu quả’, ‘động cơ vụ lợi’... trong các tội về tham nhũng chưa có hướng dẫn thống nhất, gây khó khăn trong việc áp dụng luật”.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, pháp luật quy định thời hạn 3 ngày để phê chuẩn quyết định khởi tố bị can. Trong một số vụ án tham nhũng có tính chất tinh vi, phức tạp, việc quy định thời gian như trên là quá ngắn. Thời gian 3 ngày không đủ để kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ đề nghị phê chuẩn. Pháp luật cũng quy định, thời hạn chuẩn bị xét xử trong trường hợp thụ lý lại vụ án là một tháng. Nhưng đối với một số vụ án phức tạp, thẩm phán phải nghiên cứu lại hồ sơ từ đầu thì thời gian quy định như trên là quá ngắn.
Thực tế điều tra các vụ án tham nhũng còn cho thấy, quy định thời gian xử lý tố giác, tin báo tội phạm được quy định tại Điều 103 Bộ luật Tố tụng hình sự từ 20 ngày đến 2 tháng khi áp dụng đối với loại tội phạm này là chưa phù hợp. Lý do là các đối tượng tham nhũng che giấu hoặc hủy chứng cứ; trong khi đó, việc xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ lại bị hạn chế bởi một số quy định của pháp luật.
Hoàn thiện quy định tình tiết định tội, định khung
Từ thực tế trên, ông Phạm Anh Tuấn cho biết, Ban Nội chính Trung ương đã đề nghị Quốc hội cần đẩy nhanh tiến độ sửa luật, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao hiệu quả công tác điều tra, xét xử án tham nhũng. Cụ thể, Bộ luật Tố tụng hình sự cần được sửa đổi, bổ sung quy định về chứng cứ để có thể truy cứu trách nhiệm của những người nhận hối lộ bằng chứng cứ gián tiếp; quy định nghĩa vụ giải trình của người bị điều tra, truy tố về tội tham nhũng; kéo dài thời gian giải quyết tin báo tố giác tội phạm; cơ chế kiểm soát việc trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Nhìn từ góc độ của nhà nghiên cứu luật, TS Đỗ Đức Hồng Hà (giảng viên ĐH Luật Hà Nội) cho biết, một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 đề cập đến tội phạm về chức vụ còn nhiều bất cập. Do đó, cần phải bổ sung, sửa đổi để hoàn thiện các quy định về tình tiết định tội và tình tiết định khung đối với loại tội phạm này.
TS Hà kiến nghị, nên sửa cụm từ “người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào... để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ” trong tội nhận hối lộ (khoản 1 Điều 279) thành “người nào trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận lợi ích vật chất của người khác dưới bất kỳ hình thức nào rồi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu của họ”. “Việc sửa đổi này không những làm cho quy định tại khoản 1 Điều 279 ngắn gọn hơn mà quan trọng hơn là làm rõ bản chất của tội nhận hối lộ không phải là lợi dụng chức vụ quyền hạn để nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác mà là đã nhận hoặc sẽ nhận rồi mới lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc yêu cầu của họ” - TS Hà phân tích.
Ông Hà cũng kiến nghị thêm, nên sửa cụm từ “gây hậu quả nghiêm trọng khác”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng khác”, và “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác” tại khoản 2, 3, 4 Điều 278 tội tham ô tài sản thành “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng” và “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” cho thống nhất, dễ áp dụng và phù hợp với các quy định trong các điều luật khác. Nếu quy định như hiện nay thì từ “khác” gây khó hiểu, khó áp dụng và khó phân biệt trường hợp phạm tội “tham ô tài sản gây hậu quả nghiêm trọng” với trường hợp phạm tội “tham ô tài sản gây hậu quả nghiêm trọng khác”.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần phải thu hẹp khoảng cách giữa mức tối thiểu và mức tối đa của khung hình phạt; bổ sung vào khoản 5 Điều 278 tình tiết định khung tăng nặng “chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. Việc sửa đổi theo hướng này không chỉ nhằm trừng trị nghiêm những trường hợp phạm tội nguy hiểm, mà còn đáp ứng được đòi hỏi của nguyên tắc công bằng, nguyên tắc pháp chế và nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự.
Theo TS Hà, tội nhận hối lộ (Điều 279), tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280), tội đưa hối lộ (Điều 289), tội làm môi giới hối lộ (Điều 290), tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi (Điều 291) cũng nên được sửa theo hướng này.
Huyền Tím