Ngày 29/11/2013, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là đạo luật quan trọng, có tác động sâu rộng đến chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, thu hút được sự quan tâm rộng rãi của nhân dân.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết: Luật Đất đai năm 2013 có 14 chương với 212 điều, tăng 7 chương và 66 điều so với Luật Đất đai năm 2003, đã thể chế hóa đúng và đầy đủ những quan điểm, định hướng nêu trong Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI, đồng thời khắc phục, giải quyết được những tồn tại, hạn chế phát sinh trong quá trình thi hành Luật Đất đai năm 2003.
Luật Đất đai năm 2013 được Quốc hội thông qua là sự kiện quan trọng đánh dấu những đổi mới về chính sách đất đai, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế và bảo đảm giữ vững ổn định chính trị-xã hội của đất nước, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của đại đa số nhân dân.
Theo đó, Luật Đất đai năm 2013 có 9 nội dung đổi mới quan trọng. Trước hết là quy định một cách cụ thể hơn quyền và trách nhiệm Nhà nước, những bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất; các quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất phù hợp với từng đối tượng, từng hình thức sử dụng đất và điều kiện để thực hiện các quyền của người sử dụng đất. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai đối với khu vực nông nghiệp nhằm tạo điều kiện đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; đảm bảo mục tiêu an ninh quốc gia và bảo vệ môi trường, thông qua các quy định về nâng thời hạn giao đất nông nghiệp trong hạn mức lên 50 năm, mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân; quy định chặt chẽ chế độ quản lý, sử dụng đất trồng lúa, đất có rừng.
Nội dung mới nữa của Luật Đất đai năm 2013 là quan tâm đến vấn đề chất lượng đất, đổi mới công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đáp ứng được yêu cầu quản lý đất đai của từng cấp hành chính, góp phần khai thác tốt hơn tài nguyên đất đai; tăng cường hơn nữa việc vận hành các quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường, tiến tới xóa bỏ bao cấp trong quản lý, sử dụng đất đai; hoàn thiện cơ chế nhằm phát huy nguồn lực đất đai, thông qua quy định Nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất; lập Quỹ phát triển đất, tạo quỹ đất “sạch” để đấu giá quyền sử dụng đất.
Công khai, minh bạch và dân chủ trong quản lý, sử dụng đất thông qua các quy định cụ thể về những trường hợp thật cần thiết Nhà nước phải thu hồi đất; quy định đăng ký đất đai là bắt buộc và việc đăng ký đất trên mạng điện tử; việc tham gia của người dân, trách nhiệm giải trình của Nhà nước trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, trong việc bố trí tái định cư, đào tạo, chuyển đổi nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm; việc giám sát đối với công tác quản lý, sử dụng đất của các cơ quan dân cử, của công dân và hệ thống theo dõi, đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất trên phạm vi cả nước và các địa phương.
Luật Đất đai năm 2013 còn thiết lập sự bình đẳng trong việc tiếp cận đất đai, thực hiện quyền và nghĩa vụ sử dụng đất giữa các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài cho phù hợp với yêu cầu hội nhập và thu hút đầu tư; quan tâm hơn đến việc đảm bảo quyền sử dụng đất cho nhóm người dễ bị tổn thương như phụ nữ, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, Luật Đất đai năm 2013 đã quy định cụ thể nhiều nội dung, đặc biệt là các nội dung có liên quan đến quyền và lợi ích của người sử dụng đất, như thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Đề cập về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cho rằng: Luật Đất đai năm 2013 đã quy định khá đầy đủ, chi tiết, đã bổ sung những quy định rất quan trọng. Đó là quy định giá đất bồi thường không áp dụng theo bảng giá đất, mà áp dụng giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất; quy định cụ thể điều kiện được bồi thường về đất, bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại, bồi thường tài sản gắn liền với đất; bồi thường khi thu hồi đối với từng loại đất và từng đối tượng cụ thể.
Yêu cầu đảm bảo sinh kế cho người có đất bị thu hồi đã được quy định cụ thể, rõ ràng, đầy đủ hơn trong Luật Đất đai năm 2013 thông qua quy định về các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, như hỗ trợ đời sống sản xuất; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tạo việc làm; hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở mà phải di chuyển chỗ ở và một số khoản hỗ trợ khác. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện phương án đào tạo, chuyển đổi nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho người có đất thu hồi là đất nông nghiệp, đất ở kết hợp với kinh doanh dịch vụ và phê duyệt đồng thời với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Quy định khi thu hồi đất mà phải bố trí tái định cư, thì UBND cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và tổ chức thực hiện dự án tái định cư trước khi thu hồi đất. Khu tái định cư tập trung phải xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng; phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền. Việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành xây dựng nhà ở, hoặc cơ sở hạ tầng của khu tái định cư.
Luật Đất đai năm 2013 cũng bổ sung quy định xử lý đối với trường hợp chậm chi trả bồi thường do lỗi của cơ quan Nhà nước, lỗi của người có đất thu hồi gây ra, để đảm bảo trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong thực thi công vụ, cũng như tăng cường ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân. Luật đã quy định một cách cụ thể hơn về quyền tham gia của người dân trong quá trình lập và thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư...
Luật Đất đai năm 2013 sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2013. Để các quy định đổi mới của Luật sớm đi vào cuộc sống, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành và địa phương triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn và tổ chức thực hiện, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai, phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Văn Hào