Nổ mìn phá rừng đặc dụng Phia Oắc - Phia Đén

Khu rừng đặc dụng Phia Oắc - Phia Đén nằm trên địa phận huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng được ví như kho di sản thiên nhiên độc đáo và giàu có, một báu vật trời cho. Nơi đây có đỉnh Phia Oắc cao tới 1.931 m so với mực nước biển với đới khí hậu tương tự như Sa Pa, Mẫu Sơn hay Tam Đảo…

Một “quặng tặc” đang chui lò.

Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây do nạn khai thác volfram trái phép hoành hành nên khu rừng đặc dụng quý giá này đang bị xâm hại nghiêm trọng. Đáng lo ngại hơn là thời gian gần đây, người dân địa phương và du khách đi thăm Phia Oắc, Phia Đén thường phản ánh về tình trạng nổ mìn phổ biến để khai thác quặng trong khu rừng đặc dụng này.

Ngang nhiên nổ mìn phá rừng đặc dụng

Cũng giống như Sa Pa (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Ba Vì (Hà Nội), Mẫu Sơn (Lạng Sơn)…, Phia Đén, Phia Oắc cũng là một “miền đất lạnh” với hệ thống núi cao quanh năm mây phủ cùng không gian nguyên sinh thơ mộng, núi rừng quanh năm mát mẻ… Chính vì vậy Phia Oắc - Phia Đén đã được người Pháp xây dựng thành khu nghỉ dưỡng cho đội ngũ quan cai trị ngay từ những năm đầu thế kỷ 20. Ngày nay đến đây, chúng ta vẫn còn bắt gặp những dấu tích của các khu biệt thự cổ xây bằng đá tảng và bê tông bề thế, vững chắc ẩn hiện trong khu rừng thông cổ thụ đầy mộng mơ. Đáng chú ý trong số đó, có các “công trình” từng được nhiều người biết đến, như khu nghỉ mát cuối tuần Tài Soỏng, khu nhà đỏ (Tatsloom).

Đào gốc, chốc rễ khiến cây rừng đổ gục hàng loạt

Không chỉ có khí hậu và rừng nguyên sinh lý tưởng Phia Oắc, Phia Đén, còn ẩn chứa dưới lòng đất số khoáng sản quý hiếm như volfram, vàng, thiếc và sắt… Cũng chính vì ẩn chứa nhiều tài nguyên quý giá ấy mà ngày nay, Phia Oắc, Phia Đén đang bị hàng trăm, hàng ngàn “quặng tặc” mổ xẻ, đào bới không thương tiếc. Không ai không xót xa khi đi dọc lối lên đỉnh Phia Oắc chứng kiến tận mắt các cánh rừng đặc dụng nhiều trăm ha ngổn ngang cây cổ thụ đổ, đất đá bị lật tung, trắng toát như vừa trải qua một trận bom dội bởi “quặng tặc” ngang nhiên dùng mìn để phá đá lấy quặng làm cho những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi bị lật gốc chỉ trong nháy mắt.

Nhóm cán bộ kỹ thuật trực trên tháp antena phát sóng phát thanh truyền hình quốc gia cao 75 m dựng trên đỉnh núi Phia Oắc, cho biết: Ở đây ngày nào cũng vậy, tiếng mìn nổ đinh tai nhức óc. Mấy năm trước, họ còn đào bới thủ công, nhưng bây giờ họ ngang nhiên nổ mìn để khai thác cho nhanh.

Càng đi sâu vào trong rừng, chúng tôi càng cảm thấy đau xót cho cánh rừng đặc dụng hàng trăm năm tuổi này. Có những vạt rừng có đến mấy chục cây đổ gục, những cây còn lại thì hầu như đều bị chặt hết rễ và gốc bị khoét sâu, chỉ cần một cơn gió nhẹ cũng có thể đổ.

Ngang chân ngọn núi nơi đặt tháp antena phát sóng phát thanh truyền hình quốc gia lại là đại bản doanh của “quặng tặc”. Dưới tán cây to, chúng dựng cả lều tạm, cả bếp và máy nghiền quặng… Thấy chúng tôi, đám người vừa nổ mìn chạy toán loạn, chỉ một nhoáng là không thấy người nào, chắc họ tưởng chúng tôi là công an. Khi thấy chúng tôi không bắt bớ gì, hàng chục người từ các hốc rừng lại bước ra, tiếp tục chặt rễ cây, phá đá, bới đãi quặng.

Chính quyền cần quyết liệt hơn

Một điều hết sức lạ là trên đường thâm nhập sào huyệt “quặng tặc” chúng tôi không hề thấy một bóng lực lượng chức năng nào, trong khi địa điểm khai thác của “quặng tặc” chẳng xa là mấy, có chỗ chỉ cách đường bê tông vài trăm mét.

Trong vai một họa sĩ đi tìm cảnh đẹp để vẽ, tôi tiếp cận được với một “quặng tặc”, tên Dũng ở Đại Từ, Thái Nguyên lên đây để khai thác quặng lậu từ đầu năm 2010. Dũng than thở: “Làm ăn bây giờ khó lắm anh ơi, những chỗ ngon thì bị người ta “đánh” (khai thác) hết rồi, bọn em bây giờ chỉ làm lại thôi, tranh thủ kiếm vài đồng nuôi các cháu”.

Đãi quặng vomfram trong rừng đặc dụng Phia Oắc


Qua câu chuyện, tôi biết Dũng là trưởng 1 nhóm hơn mười người, chủ yếu là khai thác volfram, họ phải chung nhau để “bảo vệ” sản phẩm vì sợ các nhóm khác “xin đểu” hoặc báo cho công an.

Tôi băn khoăn hỏi, nổ mìn thế này không sợ công an vào bắt à? Dũng cười láu cá trả lời: “Bắt làm sao được, bọn em cắt hẳn một người canh gác, công an vào được đến nơi thì chỉ còn đá và gốc cây thôi. Gặp mấy đợt ra quân lớn của tỉnh thì chúng em nằm im”.

Dọc đường từ khu Phia Oắc, Phia Đén ra thị trấn Nguyên Bình, chúng tôi tận mắt chứng kiến con sông Thể Dục chảy qua thị trấn đục ngầu bùn đất. Đó là hậu quả của nạn đào đãi vàng nơi thượng nguồn sông Thể Dục gây ra. Nơi đầu nguồn này họ ngang nhiên đào đãi vàng ngay bên đường với tiếng máy nổ đinh tai nhức óc, mà bất cứ ai cũng phải nghe thấy. Ấy vậy mà, hình ảnh này ngày nào cũng diễn ra, và con sông này hàng ngày vẫn đục, mà chẳng thấy lực lượng nào ngăn chặn dứt điểm được cả???

Bài và ảnh: Mạnh Hà

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN