Nơi "cơn lũ" quặng đi qua

Những năm trước, hàng nghìn người dân đổ về vùng biên giới xã Quang Trung, Tri Phương (huyện Trà Lĩnh, Cao Bằng) khai thác quặng trái phép do giá thu mua quặng mangan được Trung Quốc đẩy lên cao. Sức hút của đồng tiền khiến dòng người ào ạt khai thác, vận chuyển quặng sang Trung Quốc như một cơn lũ. Nhưng khi "cơn lũ" quặng qua đi, người dân và chính quyền nơi đây đang phải “gồng mình” khắc phục hậu quả do nó để lại.

Từ trung tâm xã Quang Trung đi vào xã Tri Phương, dọc hai bên đường, quang cảnh vẫn in đậm dấu vết của cơn “lũ quặng” ngày nào. Những quả đồi nham nhở dấu vết đào bới, những cánh rừng tan hoang chi chít hang hố đào quặng. Qua bãi quặng Kép Ky - nơi xảy ra vụ sạt lở một mảng đồi, vùi lấp hơn 500 người đào quặng năm 1992, không khí hoang vắng, lạnh lẽo như dấu tích của câu chuyện cũ thương đau.

Một số người vẫn lén lút khai thác quặng ở xã Quang Trung.


Là hai xã nghèo, đất sản xuất khô cằn nhưng Quang Trung và Tri Phương lại được trời phú cho nhiều quặng mangan. Vì thế, việc người dân đào quặng bán sang Trung Quốc diễn ra từ rất lâu. Giai đoạn 2006 - 2010, có thời điểm Trung Quốc nâng giá thu mua quặng mangan ngay tại hầm là 6.000 đồng/kg, gần bằng giá 1 kg gạo nên hàng nghìn người đã đổ về đây khai thác. Bản thân người dân tại hai xã cũng bỏ bê việc ruộng đồng để tham gia đào quặng, vận chuyển sang biên giới. Vào năm 2010, người dân xã Tri Phương đã sử dụng tới hơn 300 con la, ngựa và hàng trăm xe máy để phục vụ “công cuộc” thồ quặng sang Trung Quốc.

Tình trạng khai thác quặng trái phép không chỉ làm “chảy máu” khoáng sản, phá hủy môi trường sinh thái mà còn để lại những hậu quả xã hội nặng nề. Ông Nông Văn Quốc, Chủ tịch UBND xã Tri Phương cho biết: Từ khi “cơn lũ quặng” tràn qua, đời sống nhân dân bị xáo trộn nghiêm trọng, thanh niên địa phương không tha thiết với học hành, sản xuất mà kéo nhau đi đào quặng, vận chuyển sang biên giới. Thậm chí có thanh niên bỏ học để đi vận chuyển quặng. Có tiền, họ không đầu tư phục vụ sản xuất, học hành mà thường tụ tập uống rượu, ăn chơi hưởng thụ. Một số người bán quặng có tiền, nghe kẻ xấu rủ rê chơi bời chích hút đã nghiện ma tuý. Qua xét nghiệm đã phát hiện trên 7 người nghiện ma túy (trước khi rộ khai thác quặng, xã không có người nghiện ma túy). Giờ đây, khi giá quặng xuống thấp, không có tiền mua ma túy, những con nghiện chuyển sang trộm cắp để có tiền mua ma túy. Đối với nhiều hộ dân, trong một thời gian dài, quặng đã trở thành thu nhập chính nuôi sống gia đình, giờ đây khi không còn làm quặng được, đời sống kinh tế gia đình lâm vào cảnh khó khăn, nhiều hộ tái nghèo.

Với xã Quang Trung, số người tham gia đào và vận chuyển quặng ít hơn, nhưng lại là nơi tập trung đông những “quặng tặc” tứ xứ, là đối tượng rất khó kiểm soát bởi họ không khai báo tạm trú, thường sống trong những lán trại khai thác giữa rừng. Theo một phu đào quặng, rất nhiều người đào quặng tự do nghiện ma túy. Công an huyện đã nhiều lần bắt được các đối tượng mua bán, tàng trữ và sử dụng ma túy tại đây, tuy nhiên, tình hình vẫn diễn biến khá phức tạp. Theo ông Đàm Văn Riểm, Chủ tịch UBND huyện, sau vụ tai nạn sập hầm gây chết 2 người tháng 7/2010, cơ quan chức năng huyện Trà Lĩnh triển khai nhiều biện pháp giải tỏa tình trạng khai thác quặng trái phép. Từ đầu năm 2011 đến nay, huyện đã tịch thu hơn 30 tấn quặng, 3 đầu máy nổ phục vụ khai thác, lập biên bản xử phạt hành chính và trục xuất, trả về địa phương 6 người có hành vi khai thác quặng trái phép. Sự ra tay kiên quyết của chính quyền huyện địa phương, sự tụt giảm giá thu mua quặng của Trung Quốc cùng với việc quy hoạch lại khu vực đất có quặng giao cho các doanh nghiệp quản lý, khai thác đã làm cho cơn sốt đào quặng hạ nhiệt.

Để giải được tận gốc bài toán khai thác quặng trái phép ở hai xã này không chỉ cần có sự quan tâm chỉ đạo sát sao, liên tục của cấp ủy, chính quyền các cấp mà còn cần sự đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giúp người dân phát triển kinh tế ổn định đời sống, ổn định tư tưởng.

Quốc Đạt

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN