Ngày 26/2, theo chân một đồng chí công an viên xã Nậm Hăn, chúng tôi men theo đường mòn vào mục sở thị bản Hay. Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là ngay tại đầu bản có một cái lều không ra lều, nhà không ra nhà. Sau đấy gặp anh Lò Văn Xuân, Phó bản kiêm Trưởng bản, chúng tôi mới được biết chính xác đó là nhà ông Lò Văn Hen - bố vợ anh Xuân. Thực ra, trước năm 2010, nhà ông Hen là ngôi nhà sàn ba gian, gỗ chắc chắn. Nhưng vì nghiện, không có tiền "chơi", nên năm 2010, ông đã bán tất cả phần khung nhà cho người cùng bản với giá có 5 triệu đồng. Rồi ông Hen quây lên chính cái nền nhà cũ chắc chắn ấy một chỗ chừng 8 m2 để ba người ở, sinh hoạt...
Đi một vòng quanh bản Hay, chúng tôi đếm sơ sơ cũng có đến cả chục ngôi nhà tương tự như nhà ông Hen. Ngay trước cửa nhà Phó bản Hay, Lò Văn Xanh cũng hiện lên cảnh tượng tan hoang, xơ xác, suy tàn. Đó là ngôi nhà sàn rách tươm của con nghiện Lò Thị Thanh, sinh năm 1970. Khi bước chân lên nhà Thanh, chúng tôi có cảm giác căn nhà rung lên bần bật. Chúng tôi đã phải đi thật nhẹ nhàng để tránh những tấm gỗ ghép sàn mục nát và những khe hở toang hoác... Nhìn trong nhà chẳng có gì đáng giá. Tôi thử mở một cái nồi nhỏ (duy nhất), đen nhẻm bên đống lửa, trong nồi không phải cơm mà là vài cọng rau rừng vàng khè, lõng bõng nước. Gần đống tro bếp có vài củ sắn, một cái hoa chuối rừng và một nửa quả đu đủ xanh đã gọt vỏ héo quắt.
Nhà Lò Thị Thanh tan hoang, xơ xác, suy tàn. |
Thấy người lạ đến nhà, Thanh cũng chẳng buồn mời ngồi chơi, uống nước gì mà cứ lầm lũi, ngồi chẻ ống cây nứa để đan phên, định bụng sẽ che chắn cho ngôi nhà đã vá chằng, vá đụp. Hỏi gì Thanh cũng lờ đi, không nói. Lúc chúng tôi chào, quay ra về, Thanh mới ngước mắt lên đờ đẫn nói: "Bây giờ không có thuốc chết mất cán bộ ơi"... Chúng tôi được Phó bản Hay cho biết, chồng Thanh cũng vì nghiện mà chết khi mới 35 tuổi, để lại cho Thanh ba con thơ dại một trai, hai gái. Đến nay, đứa con trai sinh năm 1990 cũng mắc nghiện, đi ăn trộm trâu "mới bị bắt đi ba ngày trước rồi".
Chuyện Phó bản Hay kiêm chức Trưởng bản cũng vì nghiện mà ra. Chẳng là ông Lò Văn Ban, Trưởng bản Hay lâu nay bị nghiện nặng. Vì nghiện mà ông đã dỡ gần hết những tấm gỗ xung quanh ngôi nhà sàn ra bán dần để "cho vào ống kim tiêm". Cũng vì nghiện mà ông Ban không còn tha thiết gì với chức Trưởng bản. Năm 2011, bà con bản Hay đã ba lần đề nghị cấp ủy, chính quyền xã Nậm Hăn cách chức ông Ban nhưng xã vẫn chưa ra được quyết định này. Chính vì thế, Phó bản Lò Văn Xanh lâu nay phải kiêm toàn bộ nhiệm vụ Trưởng bản nhưng tiền phụ cấp hàng tháng vẫn phải chia lại cho Trưởng bản Lò Văn Ban "vài chục nghìn".
Theo thống kê của Trạm y tế xã Nậm Hăn, cả xã có 16 bản với tổng số 21 con nghiện trích, hít hêrôin nhưng riêng bản Hay đã có đến 12 con nghiện. Được biết cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã Nậm Hăn lâu nay cũng đã có nhiều nỗ lực, thường xuyên động viên, vận động bà con bản Hay cai nghiện, quay lại chăm chỉ lao động, sản xuất. Nhưng xem ra bao nhiêu công sức đổ vào đây đang chỉ như muối bỏ biển... Nói về kết quả sau cai nghiện tập trung tại cộng đồng của xã, anh Trưởng Công an xã Nậm Hăn chỉ lắc đầu "Không ăn thua, tái nghiện hết". Từ năm 2005 đến nay xã Nậm Hăn đã tổ chức cai nghiện tại cộng đồng được ba lần nhưng sau đấy các con nghiện lại tái nghiện 100%. Còn nói về cách ngăn chặn không cho "hàng trắng" tuồn vào bản Hay, anh Trưởng Công an xã cũng lắc đầu "Không xuể... nhiều cửa lắm"... Thầy giáo Quàng Văn Phong, trường Mầm non xã Nậm Hăn, đang cắm tại bản Hay cũng cho biết, từ đầu năm đến nay thầy đã 5 lần bị mất hết đồ dùng cá nhân. Nên bây giờ mỗi lần đến cuối tuần về nhà ở trung tâm xã, thầy Quang lại bỏ tất cả bát đũa, chăn, màn, quần áo vào bao tải khuân về nhà. Đầu tuần vào bản dạy học, thầy lại lóc cóc mang đồ quay vào...
Rời bản Hay lúc chiều tàn. Lời một người đàn ông dân tộc Thái ở khu tái định cư Co Sản xã Nậm Hăn, thường xuyên mang thực phẩm vào bản Hay bán, cứ văng vẳng bên tai: "Bây giờ bản Hay có công to việc lớn gì thấy toàn nữ đứng ra lo thôi vì bản không có đàn ông...".
Nguyễn Công Hải