Các bị cáo gồm: Nguyễn Thị Oanh (sinh năm 1992, ở Hải Phòng, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn phát triển Thiên Nguyên), Phạm Thị Tuyết Nhung (sinh năm 1984, ở Quảng Ninh, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư xây dựng Thịnh Vượng), Nguyễn Hoài Nam (sinh năm 1994, ở Hà Nội), Đỗ Văn Thành (sinh năm 1984, ở Hải Phòng, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư và phát triển thương mại mỹ thuật Vietship), Hoàng Thanh Sơn (sinh năm 1958, ở Hà Nội, Giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Hải), Nguyễn Mạnh Hùng (sinh năm 1960, ở Hà Nội, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng thương mại H3T), Ma Thị Dịu (sinh năm 1991, ở Thái Nguyên).
Tòa đã tuyên án phạt bị cáo Nhung 9 năm tù về các tội: Tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép; Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép; Làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức.
Các bị cáo: Oanh bị phạt 8 năm tù, Nam 6 năm tù, Thành 5 năm tù, Sơn 3 năm tù, Hùng 4 năm tù về cùng tội “Tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép”. Bị cáo Dịu bị phạt 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.
Trước đó, qua công tác hậu kiểm các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an thành phố Hà Nội phát hiện Công ty cổ phần Hoàng Hải có dấu hiệu bảo lãnh cho 5 người Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam trái phép.
Quá trình điều tra xác định, Oanh chuyên xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc nên có nhiều mối quen biết. Khoảng tháng 4/2022, Oanh được một người tên Ming (chưa rõ nhân thân) trao đổi về việc đưa một số người Trung Quốc đang ở quốc gia khác nhập cảnh vào Việt Nam để về Trung Quốc. Oanh sẽ được nhận 10 triệu đồng/khách.
Oanh trao đổi lại với Nhung (khi đó còn đang làm việc cho Công ty Thiên Nguyên của Oanh). Cả hai thống nhất sử dụng danh nghĩa các công ty để bảo lãnh theo diện chuyên gia. Thời điểm này, Công ty Thiên Nguyên đang nợ thuế nên Nhung liên hệ tìm các công ty khác. Theo thỏa thuận, Oanh trả công cho Nhung 8 triệu đồng/1 khách. Thông tin của khách hàng do Ming gửi sang để Nhung làm hồ sơ.
Làm xong hồ sơ bảo lãnh, Nhung liên hệ với các công ty để ký, đóng dấu và chuyển lại cho Nam (nhân viên của Oanh) đi nộp tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an. Khi khách được duyệt cấp thị thực thì Nam sẽ chụp công văn cho Nhung hoặc Oanh để thông báo cho Ming báo khách hàng mua vé máy bay, nhận thị thực tại cửa khẩu khi nhập cảnh Việt Nam. Khách hàng sẽ tự liên hệ thuê chỗ ở và xuất cảnh khỏi Việt Nam sau khoảng 14 ngày cư trú bằng đường bộ.
Cơ quan điều tra xác định, Oanh đã tổ chức cho 20 người nhập cảnh vào Việt Nam trái phép, hưởng lợi 36 triệu đồng.
Liên quan đến vụ án, Đỗ Văn Thành là Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư và phát triển thương mại mỹ thuật Vietship quen biết Nhung từ cuối năm 2021. Hai người ở với nhau như vợ chồng tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh). Tháng 4/2022, Nhung trao đổi với Thành tìm công ty bảo lãnh cho chuyên gia. Ngày 21/4/2022, Thành đã ký và đóng dấu công ty trên các tài liệu trong hồ sơ bảo lãnh gồm mẫu NA2 (bảo lãnh cho 5 người Trung Quốc), mẫu NA 16 (giới thiệu mẫu dấu Công ty Vietship và mẫu chữ ký giám đốc) và một giấy giới thiệu chưa ghi nội dung. Lần đó, Nhung được Oanh trả công 40 triệu đồng. Số tiền này Nhung và Thành sử dụng chi tiêu chung.
Sau đó, Thành còn liên hệ với Nguyễn Mạnh Hùng (Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng thương mại H3T) để ký khống hồ sơ bảo lãnh cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Thành gửi cho Hùng ảnh chụp hồ sơ bảo lãnh, hướng dẫn cách ký, đóng dấu. Cáo buộc thể hiện, Hùng ký hồ sơ bảo lãnh cho 6 người nhập cảnh vào Việt Nam, hưởng lợi 30 triệu đồng.
Tương tự, Hoàng Thanh Sơn ký, bảo lãnh cho 5 người nhập cảnh Việt Nam. Quá trình điều tra, Sơn khai nhận, Công ty cổ phần Hoàng Hải không có hoạt động sản xuất kinh doanh gì, không có nhu cầu mời chuyên gia nước ngoài làm việc. Tuy nhiên, theo đề nghị của Nhung, Sơn đồng ý ký bảo lãnh với tiền công 5 triệu đồng/người. Đến nay, Nhung mới trả cho Sơn 5 triệu đồng, còn hồ sơ bảo lãnh của 4 người khác, Sơn không nhận được tiền vì Nhung nói họ chưa được nhập cảnh Việt Nam. Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng còn xác định bị cáo Oanh đã sử dụng pháp nhân khác gồm Công ty Đồ gỗ nội thất Nam Định, Công ty Nét Huế để tổ chức cho người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam.
Cơ quan tố tụng kết luận, trong vụ án này, bị cáo Oanh là chủ mưu, Nhung và các bị cáo khác giữ vai trò đồng phạm giúp sức cho Oanh tổ chức cho 16 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Ngoài ra, cơ quan tố tụng còn truy tố Nhung và Dịu về hành vi làm giả 3 dấu tròn của Công ty X20, Công ty Cơ điện công trình, Công ty Vĩnh Sơn để tổ chức cho người khác nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép. Riêng Dịu còn phải chịu trách nhiệm về hành vi làm giả chứng minh nhân dân mang tên Hoàng Thị Ngọc.