Theo cáo trạng, Vũ Thị Hương Lan thường tự giới thiệu mình là cháu họ một lãnh đạo cấp cao của Chính phủ, hiện công tác tại Văn phòng Chính phủ, phụ trách đại diện nguồn vốn an sinh xã hội có lãi suất ưu đãi. Lan nói với các doanh nghiệp cần phải đặt cọc tiền cho Lan nếu muốn vay nguồn vốn an sinh xã hội này.
Để các doanh nghiệp tin tưởng, bị cáo Lan thường hẹn gặp, làm việc tại một nhà gần Nhà khách Chính phủ... Bị cáo đã làm giả nhiều tài liệu, con dấu của lãnh đạo cấp cao của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và Bộ Tài chính… rồi gửi cho các bị hại xem. Các tài liệu này Lan thuê làm giả với giá từ 1,5 - 3 triệu đồng/tờ và con dấu 8 triệu đồng/chiếc.
Bằng thủ đoạn này, Vũ Thị Hương Lan đã lừa đảo chiếm đoạt tiền của 6 cá nhân, doanh nghiệp với tổng số tiền hơn 16 tỷ đồng. Lan còn tiếp cận 4 đại diện doanh nghiệp khác để lừa đảo nhưng chưa thành công.
Bị hại mất nhiều tiền nhất cho Lan là Giám đốc Công ty H., ở Cần Thơ. Năm 2021, đại diện doanh nghiệp này sau khi nhận được “Thông báo lệnh giải ngân” giả của Văn phòng Chính phủ đã hàng chục lần chuyển khoản hoặc đưa tiền mặt cho Lan với tổng số tiền hơn 7,2 tỷ đồng.
Lan còn làm giả các văn bản của UBND tỉnh Đắk Lắk về dự án khu nghỉ dưỡng quốc tế Eatam. Dự án này trên thực tế đã bị chính quyền chấm dứt hoạt động nhưng bị cáo nói với các doanh nghiệp có thể chỉ định thầu thi công. Qua đó, bị cáo Lan đã lừa đảo chiếm đoạt gần 3 tỷ đồng của hai người.
Quá trình giải quyết vụ án, cơ quan tố tụng đã phong tỏa hơn 9,3 tỷ đồng của bị cáo Lan trong nhiều tài khoản ngân hàng và kê biên số trái phiếu trị giá hơn 6,2 tỷ đồng do bị cáo mua của Công ty Ea Súp (Đắk Lắk)...
Ngoài mức án đối với bị cáo Lan, Hội đồng xét xử còn kiến nghị cơ quan tố tụng tiếp tục điều tra, xem xét hành vi của một cá nhân có dấu hiệu đồng phạm với bị cáo Vũ Thị Hương Lan, nhằm tránh bỏ lọt tội phạm. Về dân sự, Tòa cấp sơ thẩm tuyên buộc bị cáo Lan phải bồi thường, khắc phục toàn bộ số tiền hơn 16 tỷ đồng chiếm đoạt của các bị hại.