Cơ sở gia công nhựa phế liệu của bà Lưu Thị Mỹ Diễm ở thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, Phú Yên bắt đầu hoạt động từ tháng 7/2016. Theo giấy phép hoạt động, cơ sở chỉ được ép khô nhựa phế liệu. Việc này, chủ cơ sở đã đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường và đã được UBND huyện Phú Hòa xác nhận.
Tuy nhiên trong quá trình hoạt động cơ sở này lại tự ý lắp máy xay các loại nhựa phế thải thành bột. Hoạt động này đã phát sinh nước thải. Nguồn thải này được cơ sở xả ra ruộng rau muống mà không qua xử lý. Nhiều giếng nước sinh hoạt ở khu vực xung quanh bị ô nhiễm khiến người dân bức xúc.
Hiện tại, UBND xã Hòa Thắng cùng với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Hòa đã kiểm tra và ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động đối với cơ sở này. Chính quyền cũng tổ chức đối thoại giữa người dân với chủ cơ sở để đưa ra hướng giải quyết.
Qua đối thoại, người dân đã thống nhất để cơ sở phế liệu của bà Diễm thanh lý hết số hàng phế liệu tồn kho nhưng chỉ ép khô chứ không sử dụng nguồn nước trong quá trình sản xuất; không được nhập thêm phế liệu. Thời hạn để cơ sở này di dời ra khỏi khu dân cư là ngày 15/7/2017
Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng) nhà ở gần sát cơ sở gia công nhựa phế liệu của bà Lưu Thị Mỹ Diễm cho biết, ông sống ở khu vực này từ lâu, trước đây nước giếng rất trong và sạch. Kể từ khi cơ sở phế liệu này hoạt động, có nước thải xả ra thì nước giếng chuyển sang màu đục.
Bơm nước vào chậu tạo bọt trắng nổi lên như bọt xà phòng. Nước giếng bị ô nhiễm nên gia đình ông phải khoan thêm 3 giếng nhưng vẫn vậy. Hiện gia đình phải lấy nước từ giếng nước của người dân ở xa khu vực cơ sở phế liệu để dự trữ trong bồn làm nước sinh hoạt hằng ngày.
Gia đình ông Nguyễn Ngọc Toàn (thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng), nhà cách cơ sở phế liệu của bà Diễm 10m cũng bức xúc cho biết: Hiện nước giếng nhà ông cũng không sử dụng được, nguyên nhân có thể do trước đây cơ sở phế liệu của bà Diễm xả thẳng ra ruộng nên nguồn nước mới ô nhiễm như vậy.
Không chỉ có gia đình ông Nguyễn Văn Thuận, Nguyễn Ngọc Toàn có giếng nước bị ô nhiễm mà xung quanh khu vực cơ sở gia công phế liệu hoạt động có 9 gia đình khác cũng bị ảnh hưởng.
Trước bức xúc của người dân, bà Diễm đã đề nghị Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Phú Yên lấy mẫu nước giếng của người dân để kiểm nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm này cho thấy có hai chỉ tiêu vượt ngưỡng cho phép, đó là KMnO4 vượt 1,3 lần và Mn vượt 10,6 lần.
Ông Nguyễn Thành Chinh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng cho biết: Trong quá trình hoạt động, cơ sở này xả nước thải không đúng với giấy xác nhận về đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường đã được phê duyệt. Sau khi phối hợp cùng với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Hòa kiểm tra theo phản ánh của người dân, UBND xã Hòa Thắng đã tạm đình chỉ hoạt động đối với cơ sở này.
Về chất lượng các giếng nước sinh hoạt của người dân xung quanh, ông Nguyễn Quang Thủ, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Hòa cho biết sẽ lấy lại mẫu nước giếng của người dân gửi cơ quan kiểm nghiệm độc lập để xác định mức độ ô nhiễm; đồng thời kiến nghị Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Phú Yên) và Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên) làm rõ những vi phạm của cơ sở gia công phế liệu và sẽ kiên quyết xử lý những sai phạm theo quy định của pháp luật.