Số vụ phá rừng đã giảm

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành lâm nghiệp, tổ chức hôm qua (10/7), ông Hà Công Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- NN&PTNT) khẳng định: Trong 9 tháng qua, đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2012, tình trạng phá rừng trên quy mô cả nước được khống chế một cách hiệu quả hơn, đặc biệt ở khu vực Tây Nguyên.

 

Giảm số vụ nhưng vẫn gay gắt


Theo Tổng cục Lâm nghiệp, tính đến ngày 30/6, toàn quốc phát hiện 13.735 vụ vi phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. So với cùng kỳ năm 2011, số vụ vi phạm đã giảm 10%. Các cơ quan chức năng đã xử lý 11.620 vụ, xử phạt hành chính 11.461 vụ, khởi tố hình sự 159 vụ với 136 bị can; tổng thu trên 130 tỷ đồng và nộp ngân sách nhà nước 107 tỷ đồng.


 

Lực lượng kiểm lâm Hà Tĩnh xác định vị trí lô, khoảnh trên bản đồ của khu vực rừng Hồng Lĩnh (huyện Can Lộc) trong một chuyến tuần tra. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN

 

Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm, cả nước phát hiện trên 2.000 vụ phá rừng trái luật, nhưng so với cùng kỳ năm 2011 đã giảm 21%. Diện tích rừng bị phá là 622,86 ha rừng (giảm 6, ha so với cùng kỳ). Nguyên nhân chủ yếu của việc phá rừng là: người dân lấy đất sản xuất để trồng các loại cây nông nghiệp (sắn, ngô…), trồng cây công nghiệp (cao su, cà phê, điều, hồ tiêu), khai thác khoáng sản, khai thác gỗ và lâm sản có giá trị cao. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp khẳng định, tình trạng phá rừng được khống chế hiệu quả nhờ “kiên quyết tạm dừng dự án chuyển đổi đất lâm nghiệp rừng sang mục đích khác; đồng thời, xử lý nghiêm một số vụ việc nghiêm trọng”.


Tuy nhiên, tình trạng vi phạm các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ rừng vẫn còn rất phức tạp, một số nơi tình trạng phá rừng còn rất nghiêm trọng. “Đặc biệt là tình hình tái bùng phát ở khu vực Bắc Kạn mà rộng ra là rừng ở khu vực giáp ranh 3 tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn và khu vực miền Trung”, ông Hà Công Tuấn cho biết.


Đề xuất thành lập cảnh sát lâm nghiệp


Điều đáng quan tâm, việc khai thác rừng trái pháp luật đang tập trung chủ yếu ở khu vực rừng đặc dụng. Cả nước hiện có 164 khu rừng đặc dụng với trên 2 triệu ha rừng và đất lâm nghiệp - bao quát gần hết những vùng có đa dạng sinh học đặc trưng của nước ta. Theo đánh giá của ông Hà Công Tuấn, những nơi này cũng là khu vực có nhiều loài gỗ và động vật có giá trị rất cao. “Về cơ bản, thời gian qua ban quản lý rừng đặc dụng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, tuy nhiên ở đâu cũng có những “con sâu bỏ rầu nồi canh”, lãnh đạo ngành lâm nghiệp nói.


Các vi phạm thời gian qua xảy ra ở những vùng thuận lợi về giao thông, địa bàn có nhiều cơ sở chế biến gỗ quy mô nhỏ ở trong rừng và gần rừng, như: Vườn quốc gia Yok Đôn, Đắk Lắk, Vườn quốc gia Ba Bể và Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ ở Bắc Kạn, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng ở Quảng Bình…


Hiện tượng chống người thi hành công vụ tiếp tục xảy ra gay gắt với 13 vụ nghiêm trọng, làm bị thương 14 người. Các đối tượng phá rừng với hình thức ngày càng tinh vi, liều lĩnh, có tổ chức, khi bị phát hiện sẵn sàng chống đối. Các vụ việc xảy ra tại các tỉnh Quảng Nam, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, Cà Mau.


Lãnh đạo ngành lâm nghiệp khẳng định, một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ. Giải pháp trước mắt là tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các điểm nóng về phá rừng, tổ chức thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm trái phép để giao cho chủ rừng quản lý và trồng lại rừng, ngăn chặn triệt để tình trạng phá rừng. Đồng thời, tăng cường chấn chỉnh hoạt động của lực lượng kiểm lâm.


Về lâu dài, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Đăng Khoa, để tăng cường hiệu quả việc bảo vệ rừng, cần sớm xây dựng Đề án nghiên cứu đề nghị Chính phủ cho phép thành lập cảnh sát lâm nghiệp.

 

Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN