UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm liên quan đến vụ việc vi phạm làm chết người của Thẩm mỹ viện Cát Tường. Công văn khẳng định, đây là vụ việc mang tính chất cá biệt, bất thường, vi phạm nghiêm trọng pháp luật trong lĩnh vực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập; gây dư luận xấu, ảnh hưởng tới uy tín của ngành y tế.
Đây cũng là sự việc rất đáng buồn, nằm ngoài mong muốn; trách nhiệm trực tiếp thuộc về bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường là người trực tiếp phẫu thuật và gây ra tử vong cho bệnh nhân.
UBND thành phố Hà Nội thẳng thắn kiểm điểm, liên quan vụ việc này, quận Hai Bà Trưng và Sở Y tế cũng có trách nhiệm nhất định. Trực tiếp là trách nhiệm UBND phường Đồng Tâm tổ chức nắm bắt các thông tin quản lý hoạt động kinh doanh trên địa bàn chưa tốt; chưa thường xuyên kiểm tra, kiểm soát địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm của Thẩm mỹ viện Cát Tường.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường (giữa) chỉ nơi vứt xác nạn nhân. Ảnh: vnexpress.net |
Trước hết là trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND phường Đồng Tâm và bà Võ Thanh Thế, Phó Chủ tịch UBND phường, đồng thời là tổ trưởng Tổ liên ngành và những thành viên trực tiếp là bà Nguyễn Minh Huệ, Trạm trưởng Trạm y tế phường; ông Nguyễn Phú Hiếu, cán bộ quản lý thị trường phường được phân công nhiệm vụ: “Chủ động rà soát, kiểm tra các cơ sở hành nghề y dược tư nhân trên địa bàn phường”.
Về phía Phòng Y tế quận, trách nhiệm thuộc về Trưởng Phòng Y tế và người trực tiếp là bà Bùi Thị Minh Hà, cán bộ tham mưu công tác kiểm tra cho Trưởng phòng. Việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho ông Nguyễn Mạnh Tường là đúng quy định pháp luật, tuy nhiên sau khi cấp giấy Phòng Tài chính - Kế hoạch chưa kịp thời chủ động thông báo, chuyển lên mạng thông tin nội bộ của quận để các cơ quan liên quan phối hợp các bước kiểm tra tiếp theo. Trách nhiệm này thuộc về cán bộ phụ trách tiếp nhận thủ tục hồ sơ.
Sở Y tế Hà Nội cũng đã có bản báo cáo dài 10 trang, thể hiện sự nghiêm túc trong việc kiểm điểm trách nhiệm, nêu lên tình hình thực tế, cũng như những khó khăn, tồn tại và giải pháp khắc phục trong việc quản lý hành nghề y, dược tư nhân trong thời gian tới.
Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức kiểm điểm có sự tham dự của Thanh tra Bộ Y tế, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) và lãnh đạo Sở Y tế, các phòng chức năng như Thanh tra, Nghiệp vụ Dược, Nghiệp vụ Y, phòng quản lý hành nghề y, dược tư nhân với tinh thần nghiêm túc, cầu thị. Ngoài trách nhiệm các phòng, ban, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội là người đứng đầu trong quản lý y, dược tại địa phương nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo chỉ đạo, phân công phân cấp và tham mưu cho thành phố có những giải pháp nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về hành nghề y dược ngoài công lập.
Thanh tra Sở Y tế, Phòng y tế quận chưa đôn đốc quyết liệt chính quyền quận, huyện, phường kịp thời phát hiện và xử lý triệt để việc hành nghề không phép; chưa đề xuất các giải pháp trong việc phối hợp liên ngành quản lý quảng cáo của các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập, còn có cơ sở quảng cáo và hành nghề quá phạm vi cho phép; chưa thực hiện nghiêm quy chế chuyên môn, quy trình kỹ thuật và bảo vệ môi trường…
Trong 9 giải pháp mà Sở Y tế đưa ra để khắc phục trong thời gian tới, có giải pháp sẽ bổ sung quy định về việc thông báo danh sách người hành nghề được cấp chứng chỉ hành nghề về cơ quan Sở Y tế và công khai danh sách cấp phép lên các phương tiện thông tin đại chúng; quy định chi tiết các chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh và có biện pháp phòng ngừa, chống tình trạng tái diễn các vi phạm. Khi cấp đăng ký kinh doanh cho tổ chức, cá nhân, loại hình ngành nghề kinh doanh có điều kiện về hành nghề y, dược thì cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm thông báo về Sở Y tế, Phòng y tế các quận, huyện, thị xã danh sách các cơ sở được cấp đăng ký kinh doanh để phối hợp quản lý, giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện…
UBND thành phố Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Y tế điều chỉnh bổ sung một số nội dung trong quy định về quản lý hành nghề y, dược tư nhân cho phù hợp với tình hình quản lý thực tiễn tại địa phương như: Điều kiện, đối tượng cấp chứng chỉ hành nghề…; có văn bản hướng dẫn tăng biên chế cho lực lượng thanh tra, quản lý hành nghề y, dược ngoài công lập phù hợp với đặc thù của Hà Nội.
Cần bổ sung quy định hướng dẫn cụ thể đối với dịch vụ thẩm mỹ, làm đẹp, massage về cơ sở vật chất, phương tiện, máy móc, đội ngũ cán bộ, bắt buộc khi đăng tin quảng cáo hoạt động phải công khai các nội dung hoạt động.
Sở Y tế đề nghị UBND thành phố Hà Nội cần ban hành văn bản quy định việc phối hợp giữa Sở Y tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các quận, huyện khi cấp giấy phép kinh doanh và giấy phép hoạt động của cơ sở, việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng với Sở Thông tin và Truyền thông về quảng cáo của các cơ sở… Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, thành phố đang quyết liệt chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể và tới đây sẽ có kết quả xử lý cụ thể.
Nguyễn Văn Cảnh