Ngày 1/4, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Điện Biên đã mở phiên tòa phúc thẩm, xét xử bà Trần Thị Nguyệt, sinh năm 1967 làm nghề kinh doanh xe máy ở xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên vì hành vi cưỡng đoạt tài sản. Tuy nhiên ngay sau phần mở đầu phiên tòa, với ý kiến của luật sư bào chữa cho bị cáo, Chủ tọa phiên tòa Lò Văn Lịch đã quyết định tạm hoãn phiên tòa vì bị cáo chưa được tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.
Trao đổi với các phóng viên tham dự phiên tòa, ông Lò Văn Lịch đã công nhận sơ suất trên và cho biết TAND tỉnh Điện Biên chưa gửi và thực hiện tống đạt quyết định trên.
Bị cáo Trần Thị Nguyệt tại phiên tòa |
Bị cáo Trần Thị Nguyệt (theo cáo trạng) bị buộc tội cướp tài sản, sau đó chuyển sang tội danh cưỡng đoạt tài sản xảy ra vào ngày 25/3/2010. Đây là một “Kỳ án” được dư luận tại địa phương đặc biệt quan tâm bởi những tình tiết “không giống ai”. Điều đặc biệt nhất là những người được cho là bị hại đã nhiều lần làm đơn gửi tới các cơ quan chức năng, TAND các cấp và các cơ quan thông tấn, báo chí đề nghị rút lại đơn trình báo, không công nhận tư cách là bị hại, đồng thời một mực xin minh oan cho bị cáo.
Tình tiết vụ án được biết đến như sau: Hai anh em Ly A Ly, Ly A Chía, ở bản Nậm Ty 2, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên bị cơ quan tố tụng huyện Điện Biên coi là hai bị hại của vụ án kể rằng, vì có mối quan hệ quen biết với bà Trần Thị Nguyệt, chủ cửa hàng xe máy ở chợ Bản Phủ, xã Noong Hẹt nên vào tháng 6/2009, Ly và Chía đứng ra bảo lãnh cho người em họ là Ly A Tủa mua xe máy, nợ 6,5 triệu đồng. Trước đó, để thuyết phục được bà Nguyệt bán xe, Ly và Chía còn hứa rằng nếu đến hẹn mà em Tủa không trả được tiền thì hai người sẽ thay em để trả cho tiền cho bà Nguyệt. Vì quá hạn, Tủa không đến trả tiền nên vào ngày 25/3/2010, khi thấy Chía đến cửa hàng của mình bà Nguyệt đã yêu cầu Chía phải trả nợ thay cho Tủa theo lời hứa bảo lãnh trước đây.
Bà Nguyệt quyết định giữ xe máy của Chía lại làm vật bảo đảm nhằm thu được nợ. Lúc đầu Chía không đồng ý, nhưng cuối cùng Chía đành để xe lại, chỉ xin được giữ giấy tờ xe. Được sự đồng ý của bà Nguyệt, Chía đã mở cốp xe lấy lại giấy tờ xe và cầm theo chìa khóa xe. Bị giữ xe, Chía đi tìm anh mình là Ly A Ly cùng đến để đòi lại. Khi Chía và Ly trở lại cửa hàng xe máy thì có xảy ra cãi vã và xô xát giữa Ly và bà Nguyệt. Ly đã đến trạm Công an Bản Phủ (thuộc Công an huyện Điện Biên) để trình báo sự việc với mong muốn được giúp đỡ để lấy lại xe cho em mình. Tuy nhiên, tranh chấp dân sự trên khi đến tay cơ quan tố tụng ở huyện Điện Biên đã biến thành “vụ cướp tài sản có sử dụng hung khí nguy hiểm”. Vì vậy, bà Trần Thị Nguyệt bị bắt giam và bị TAND huyện Điện Biên ngày 23/12/2010 tuyên phạt mức án 9 tháng 1 ngày, bằng đúng thời gian bà bị tạm giam.
Mặc dù được cơ quan tố tụng huyện Điện Biên xác định là bị hại trong vụ án nhưng cả Ly A Ly và Ly A Chía đều không nhận bởi theo họ vụ việc chỉ là tranh chấp dân sự mà bản thân không bị thiệt hại gì. Không dừng lại ở đó, tất cả lời khai tại phiên tòa sơ thẩm TAND huyện Điện Biên ngày 9/11 và 10/11, cả Ly và Chía đều thay đổi lời khai khác xa so với lời khai trước đó tại Cơ quan điều tra Công an huyện Điện Biên. Lý giải về việc này, Ly A Ly cho biết, do kém hiểu biết (Ly A Chía lại không thạo tiếng phổ thông và không biết chữ) nên khi trình báo sự việc như thế này thì cán bộ điều tra lại đọc cho viết như thế kia.
Ly cho biết đã khai báo với công an là bị bà Nguyệt dùng tay đẩy, móng tay dài làm xước cổ thì cán bộ điều tra bảo "bóp cổ phải không" và nói viết vào đơn trình báo là bóp cổ. Hay như chuyện bà Nguyệt có đánh Ly bằng búa hay không thì người này không nhìn thấy, nghe thấy, không bị thương tích thân thể, hoặc bị ảnh hưởng sức khỏe nhưng rồi cuối cùng cũng được cán bộ đọc cho để viết vào tờ trình là bị đánh bằng búa và để lại dấu vết trên mũ bảo hiểm.
Sự việc không chỉ dừng lại ở đó, ngay cả khi Ly A Ly, Ly A Chía cùng gia đình bà Nguyệt do ông Trần Quốc Trải là chồng bà Nguyệt làm đại diện, hòa giải trước sự chứng kiến của nhiều người thì cũng bị cán bộ cơ quan điều tra huyện Điện Biên ngăn cản và đe dọa không cho tiến hành. Theo những lá đơn kiến nghị của Ly, điều tra viên không những điện thoại đe dọa rằng nếu hòa giải sẽ bắt luôn cả gia đình Ly mà còn cử cán bộ điều tra trực tiếp đến gia đình để ngăn cản việc hòa giải này. Tuy nhiên sau đó, hai bên đã tiến hành hòa giải với sự chứng kiến có lập biên bản của chính quyền cơ sở vào ngày 6/4/2010.
Chu Quốc Hùng